Kiểm toán bình đẳng giới- từ nhận thức đến hành động
Các cơ quan kiểm toán (SAI) có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy cam kết về bình đẳng giới (BĐG) và lồng ghép giới. Thông qua kiểm toán mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) về BĐG, các SAI góp phần cải thiện cuộc sống của nhiều nhóm, gồm: Phụ nữ, nam giới và những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Bình đẳng giới - chủ đề được nhiều cơ quan kiểm toán quan tâm
BĐG được xem là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội, là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến và chung sức để thực hiện. Trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, mục tiêu số 5 hướng đến việc giải quyết một thách thức lớn về BĐG. Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững của Liên hợp quốc, INTOSAI đã đưa nội dung kiểm toán SDGs là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu và kêu gọi các SAI theo dõi và đánh giá những nỗ lực của Chính phủ nước mình trong việc thực hiện SDGs phù hợp với bối cảnh quốc gia.
Đối với kiểm toán bình đẳng giới, KTNN phải có tư duy và cách hiểu thống nhất; phải làm rõ nội dung, phạm vi, mục tiêu kiểm toán. Đặc biệt, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, trao đổi với các tổ chức và chuyên gia để có cách tiếp cận phù hợp, từ đó từng bước hoàn thiện và xây dựng hướng dẫn kiểm toán trong thời gian tới.
TS. Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước
Hiện nay, các SAI, Cơ quan Sáng kiến Phát triển INTOSAI (IDI) và Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm Giải trình Canada (CAAF) ngày càng công nhận tầm quan trọng kiểm toán việc thực hiện BĐG, đồng thời xây dựng hướng dẫn kiểm toán nhằm hỗ trợ SAI tiến hành các cuộc kiểm toán về việc thực hiện SDGs đạt chất lượng cao dựa trên chuẩn mực quốc tế. Với bối cảnh thuận lợi này, các SAI có cơ hội rõ ràng để tạo ra sự khác biệt bằng cách lồng ghép các cân nhắc về BĐG vào cuộc kiểm toán.
Nhiều SAI hiện đã kiểm toán BĐG, chẳng hạn như: SAI Uganda thực hiện kiểm toán về “Xóa bỏ mọi hình thức bạo hành đối với phụ nữ”; SAI Canada thực hiện cuộc kiểm toán về thực hiện SDGs trong đó có BĐG. Trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán, các SAI sử dụng phương pháp “tiếp cận toàn Chính phủ” để đưa ra kết luận về mức độ gắn kết, tích hợp trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách và trong phạm vi có thể, cuộc kiểm toán cho phép kiểm toán viên đưa ra kết luận về nội dung “không bỏ lại ai phía sau” và “sự tham gia của các bên liên quan”.
Việc thu hẹp khoảng cách giới trong y tế, giáo dục, thị trường lao động và các lĩnh vực khác có liên quan trực tiếp đến việc giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế, năng suất cao hơn, giáo dục tốt hơn cho trẻ em và nhiều lợi ích khác được cải thiện. Từ góc độ này và SDGs với cam kết “không bỏ lại ai phía sau”, các SAI đã cùng chung tay thực hiện các mục tiêu thúc đẩy BĐG, trong đó Việt Nam là một thành viên tích cực. Những nỗ lực này cũng phù hợp với Chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISSAI 12 về giá trị và lợi ích của các SAI - tạo sự khác biệt cho cuộc sống của người dân.
Cần có cách tiếp cận và phương pháp kiểm toán phù hợp
Tại Việt Nam, vấn đề BĐG đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm với Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (tháng 02/1930) đã nhắc đến nội dung “Thực hiện nam nữ bình quyền”. Hiến pháp Việt Nam các thời kỳ đều đã khẳng định nguyên tắc BĐG, như một cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy BĐG tại Việt Nam. Luật BĐG (có hiệu lực ngày 01/7/2007) đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ về vấn đề BĐG. Ngoài ra, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2020, Chương trình quốc gia về BĐG giai đoạn 2011-2015; Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021-2030, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật, chính sách khác có liên quan đều là những căn cứ pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy BĐG.
Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về BĐG và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đồng thời nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia khác gặp không ít thách thức, như: Việc làm, dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số; cơ hội của phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới; việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế; thiếu ngân sách để triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục về BĐG, hay hỗ trợ phụ nữ trong các lĩnh vực như: Kinh tế, giáo dục và y tế…
Theo ThS. Hà Minh Tuấn (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán) và ThS. Nguyễn Tất Thắng (Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành V), để thực hiện các cam kết quốc tế và thúc đẩy quốc gia phát triển bền vững, trong một số cuộc kiểm toán như: Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2006-2010; Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Dự án tăng cường giáo dục dạy nghề, chương trình 135 giai đoạn I+II, chương trình 134; Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; Chương trình nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững…, KTNN đã có những đánh giá, nhận xét đề cập tới vấn đề giới.
Tuy nhiên, kiểm toán BĐG là một lĩnh vực khó liên quan đến nhiều vấn đề như: Tôn giáo, chính trị, văn hóa, sắc tộc, kinh tế; vì vậy, các SAI phải có một chiến lược và các phương pháp tiếp cận thận trọng, rõ ràng. Việc thực hiện các cuộc kiểm toán về BĐG được thực hiện theo quy trình chung về kiểm toán của KTNN, nhưng, một trong những rào cản lớn nhất liên quan đến kiểm toán BĐG là nhận thức của đội ngũ kiểm toán viên liên quan đến BĐG. Một khi nhận thức về BĐG trong nội bộ của các SAI đã được nâng cao thì mới có thể tạo tiền đề cho việc triển khai kiểm toán.
Vấn đề tiếp theo là xác định chủ đề kiểm toán. Trước khi xác định các chủ đề kiểm toán, dữ liệu dựa trên cơ sở giới (GBA và GBA+) là điều quan trọng, bởi không phải chương trình, hoạt động nào cũng có những kết quả rõ ràng. Việc có các dữ liệu phân tách giới, dữ liệu GBA/GBA+ giúp kiểm toán viên đưa ra các phát hiện và kiến nghị kiểm toán phù hợp. Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng phải vượt qua thách thức về việc xây dựng tiêu chí kiểm toán, bởi hiện không có một tiêu chí chung cho tất cả các cuộc kiểm toán (có thể căn cứ vào cam kết quốc gia và quốc tế, thực hành tốt nhất về BĐG của Liên hợp quốc, luật pháp và những tiêu chuẩn BĐG, nghiên cứu của các chuyên gia về BĐG…).
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để thấy rõ được những kết quả của việc thực hiện các kiến nghị về BĐG cần thời gian dài. Do đó, kiểm toán viên cân nhắc thời gian yêu cầu đơn vị thực hiện kiến nghị, thời gian kiểm tra kiến nghị phù hợp để có thể đánh giá được việc thực hiện kiến nghị và thấy được giá trị mà báo cáo kiểm toán mang lại. KTNN Việt Nam chưa thực hiện kiểm toán riêng về BĐG, do đó, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, hợp tác với các cơ quan và chuyên gia là cần thiết để đảm bảo chất lượng cuộc kiểm toán./.