Kiểm toán chỉ ra loạt sai phạm của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều vi phạm của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) trong hoạt động quản lý vốn và đất đai.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết tính đến cuối năm 2019, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) được giao quản lý, sử dụng 2,87 triệu m2 đất để thực hiện các dự án phát triển nhà và đô thị, xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc. Đến nay, phần lớn dự án đã cơ bản hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng.
Hiện tổng diện tích đất còn lại do Hancorp và các công ty con quản lý và sử dụng là gần 1,16 triệu m2. Tuy nhiên, tổng công ty này lại đang nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại nhiều dự án với số dư hàng chục tỷ đồng.
Chưa hoàn thành nghĩa vụ thuê đất
Cụ thể, tại thời điểm kiểm toán, Hancorp được xác định chưa ký hợp đồng thuê và chưa nộp tiền thuê đất vào Ngân sách Nhà nước đối với các lô đất thuê CC2, CC3, CC4, CC5, CC5A, QT1 đến QT6, P1, P2 tại dự án Khu đoàn ngoại giao (quận Tây Hồ, Hà Nội) triển khai từ năm 2008. Nguyên nhân do các cơ quan liên ngành đang phối hợp xác định giá cho thuê trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tương tự, tại Dự án Khu đô thị mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh), Công ty Tây Hồ (công ty con của Hancorp) cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tiền sử dụng đất đối với Lô đất 9,9 ha tại dự án do đang làm việc với cơ quan Thanh tra tỉnh Bắc Ninh để khiếu kiện về đơn giá đất do tỉnh ban hành.
Công ty mẹ Hancorp cũng được xác định hợp tác kinh doanh trên lô đất 5.000m2 tại quận Hà Đông (Hà Nội) từ năm 2001 nhưng đến nay chưa nộp tiền sử dụng đất.
Ngoài ra, KTNN cũng xác định một số vi phạm tại các dự án khác liên quan Hancorp như Dự án Tổ hợp nhà ở đa năng Làng quốc tế Thăng Long, công ty mẹ Hancorp đã hoàn thành dự án từ lâu nhưng chưa bàn giao kịp thời Khu thể dục, thể thao với diện tích 6.102,3 m2 và khu đất nhà trẻ với diện tích 408,2 m2 cho UBND thành phố Hà Nội.
Tại Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại 2.6 Lê Văn Lương, Công ty Xây dựng số 1 (công ty con của Hancorp) thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng 2 tầng kỹ thuật thành tầng kinh doanh thương mại sai quy hoạch dẫn đến phải thực hiện nộp bổ sung 10,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Tại Dự án Khu đô thị mới Cao Xanh – Hà Khánh B (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), Công ty Xây dựng số 1 thực hiện dự án chậm 10 năm so với tiến độ được UBND tỉnh phê duyệt…
Nhiều vi phạm khi làm chủ đầu tư bất động sản
Trong công tác kiểm toán việc tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng tại 3 dự án xây dựng nhà ở cao tầng N01-T8, khu nhà ở công vụ và thương mại N04.A, khu biệt thự thuộc Khu đoàn ngoại giao do Hancorp làm chủ đầu tư, KTNN cũng phát hiện nhiều vi phạm trong việc quản lý chí phí đầu tư.
Cụ thể, KTNN xác định diện tích để tính phân bổ chi phí hạ tầng kỹ thuật, tiền sử dụng đất trong tổng mức đầu tư Dự án Khu biệt thự chưa chính xác theo quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội (chênh lệch 2 m2). Tổng mức đầu tư Dự án Khu biệt thự được lập bao gồm một số chi phí không phù hợp, sai tỷ lệ chi phí quản lý dự án làm tăng tổng mức đầu tư 700 triệu đồng. Công tác lập dự toán cũng chưa chính xác, chưa phù hợp với bản vẽ thiết kế thi công dẫn đến phải phê duyệt dự toán bổ sung số tiền 1,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số gói thầu lập dự toán còn thiếu, áp chưa chính xác giá vật liệu, đơn giá, định mức… làm tăng giá trị dự toán gần 3 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán còn phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện đầu tư dự án dẫn đến chênh lệch chi phí đầu tư 61 tỷ đồng. Trong đó, sai khối lượng 10,5 tỷ; áp chưa chính xác đơn giá 2,5 tỷ và sai khác gần 48 tỷ đồng.
Đánh giá về việc quản lý, sử dụng vốn, tiền và tài sản Nhà nước của Hancorp và các đơn vị thành viên, KTNN cho biết trong quá trình hoạt động kinh doanh, tổng công ty đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước giao, doanh thu và thu nhập năm 2019 đạt 2.472 tỷ đồng, kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019 có lãi với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 131 tỷ.
Tuy nhiên, hoạt động của Hancorp vẫn còn những hạn chế, trong đó, hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ năm 2019 chủ yếu đến từ kinh doanh bất động sản (lãi 132 tỷ đồng), trong khi hoạt động từ lĩnh vực xây lắp và các hoạt động khác có doanh thu lớn nhưng lại lỗ 34,5 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán xác định có 3/6 thành viên thua lỗ năm 2019 (gồm Công ty Tây Hồ, Công ty Hancorp 1, Công ty TB&VLXD Hancorp). Một số khoản đầu tư tài chính kém hiệu quả. Hoạt động hợp tác kinh doanh đầu tư một số dự án thông qua các công ty con, liên kết còn có vướng mắc, phải chấm dứt hoặc dừng hoạt động đầu tư gây tồn đọng vốn.
Trong 3/6 đơn vị thành viên thua lỗ, Công ty Tây Hồ được xác định không bảo toàn được vốn, Công ty TB&VLXD Hancorp chưa thu hồi được vốn đầu tư Dự án Nhà máy Gạch bê tổng khí chưng áp (đã chấm dứt đầu tư mà chưa có phương án xử lý dứt điểm).
KTNN cũng chỉ ra tổng công ty này chưa thực hiện làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho 75 chủ sở hữu khi đã bàn giao nhà ở Dự án Khu biệt thự.
Nợ phải thu của Hancorp tính đến cuối năm 2019 vào khoảng 2.700 tỷ, trong đó, nợ khó đòi là hơn 320 tỷ đồng. Một số khoản nợ phải thu đã phát sinh nhiều năm nhưng chưa thu hồi ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.