Kiểm toán hồ sơ trước khi ký hợp đồng có làm khó nhà đầu tư
Có ý kiến cho rằng, các dự án được phê duyệt theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là dự án công và tạo ra tài sản công, do đó cần phải kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm toán tại thời điểm nào, giai đoạn nào thì cần được cân nhắc.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, Kiểm toán nhà nước tham gia kiểm toán hồ sơ trước khi ký hợp đồng chưa chắc phù hợp với thông lệ quốc tế. “Từ trước tới giờ, cuối năm quyết toán xong thì mới kiểm toán. Bây giờ kiểm toán hồ sơ, căn cứ hồ sơ, kiểm toán rồi mới được ký hợp đồng... Đây là vấn đề phải giải thích và phải xem thông lệ quốc tế và trong thực tiễn có thực thi được không”, ông Giàu băn khoăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhìn nhận đây là vấn đề mới. Hiện nay, nói tới BOT không có doanh nghiệp nào tha thiết hết. Nay lại sinh ra thêm một luật quy định với nhiều nội dung khác nhau, như: chưa làm đã vào kiểm toán trước, làm xong lại kiểm toán lần thứ hai. “Tôi cho rằng, Ban soạn thảo cần xem lại tính khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế. Bây giờ thế giới họ làm PPP rất nhiều, xem kinh nghiệm của người ta như thế nào để có quy định cho phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Cũng liên quan đến quy định về kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng: Với dự án chưa làm mà đã kiểm toán thì trách nhiệm quản lý giám sát này là của cơ quan chuẩn bị dự án đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án nhiều hơn trách nhiệm của cơ quan kiểm toán. Lúc đó phải có chuẩn mực kiểm toán, phải có quy trình, tiêu chuẩn đánh giá. Nếu quy định như dự thảo luật thì cơ quan kiểm toán chưa biết đánh giá của dự án đúng hay sai như thế nào.
“Bây giờ giả sử cao tốc Bắc - Nam yêu cầu kiểm toán vào kiểm toán, việc đánh giá hiệu quả thế nào là gây khó cho kiểm toán. Kiểm toán rồi sau này lại căn cứ vào báo cáo thẩm định kiểm tra thì không nên, mà phải để cho cơ quan có trách nhiệm trình cơ quan phê duyệt Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm”, ông Hải nói và cho rằng: Luật Kiểm toán quy định chỉ kiểm toán những vấn đề liên quan đến tài chính, tài sản công thì ở đây ta có thể hiểu những gì trực tiếp liên quan đến tài chính, tài sản công, ví dụ vốn nhà nước tham gia vào thì trách nhiệm kiểm toán nhà nước phải vào kiểm toán.
“Nếu nhà nước chỉ tham gia 10% vốn đầu tư mà bảo kiểm toán hết tất cả thì không nên và không hay. Vì vậy, nếu quy định phải kiểm toán dự án thì chỉ giới hạn vào những vấn đề trực tiếp liên quan đến vốn, tài sản nhà nước đầu tư và nhất trí với quan điểm không nên tiến hành kiểm toán trước”, ông Hải bày tỏ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo phải tiếp tục rà soát để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất quan điểm là cho phép dự án luật này thì có nhiều cơ chế đặc thù, nhưng cơ bản vẫn phải đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Không thể có cơ chế “đứng trên” hệ thống pháp luật, phá vỡ toàn bộ các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành.
“Dự án PPP là dự án công và tạo ra tài sản công do đó cần phải kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm toán tại thời điểm nào, giai đoạn nào thì cần được cân nhắc, như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngay từ khi hợp đồng đã tiến hành kiểm toán như quy định tại dự thảo luật là không hợp lý”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Trước đó, giải trình về hoạt động kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, bản chất là dự án nhằm mục tiêu công, nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật PPP và pháp luật có liên quan. Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.
Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán nhà nước quy định, Kiểm toán nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, theo khuyến nghị của Hiệp hội Kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, Kiểm toán nhà nước chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công. Nếu không quy định phù hợp sẽ dẫn tới trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, việc giải quyết tranh chấp rất phức tạp.