Kiểm toán Nhà nước chỉ đích danh ngân hàng cấp tín dụng vượt trần
Kiểm toán Nhà nước vừa gửi Quốc hội báo cáo kết quả kiểm toán năm 2022. Trong đó, cơ quan kiểm toán chỉ ra một số tồn tại liên quan tới cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại năm 2021.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2021, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế là 13,61%, nhưng tín dụng rót vào một số lĩnh vực đều tăng vượt mức này. Chẳng hạn, tín dụng vào bất động sản gần 15,4%, chứng khoán 23,85%, trái phiếu doanh nghiệp 17,65%...
Theo kiểm toán, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản quy định cụ thể về điều hành, kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung và chỉ tiêu tăng với từng ngân hàng. Điều này khiến một số ngân hàng có mức tăng tín dụng vượt trần, thậm chí có ngân hàng tăng vượt trần tới 6 lần khi được giao 5,5% song thực tế tăng tới 31,82%.
Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu 2016-2020, theo Kiểm toán Nhà nước, việc phê duyệt đề án, phương án cơ cấu lại còn chậm.
Tính chung thời gian Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án tái cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng kể từ khi nhận hồ sơ khoảng 6-12 tháng. Trong khi đó, một số ngân hàng được duyệt phương án chậm hơn như Ngân hàng liên doanh Việt Nga (13 tháng).
Kiểm toán cũng cho biết, nhiều tổ chức tín dụng xác định tỷ lệ nợ xấu không đúng hướng dẫn khi không tính toán đầy đủ các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.
Do đó, nếu tính toán, xác định lại thì một số tổ chức tín dụng không đạt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín…
Kiểm toán Nhà nước đánh giá mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngân hàng chưa thực hiện được.
Đến 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống là 3,81%; còn nếu tính cả nợ cơ cấu theo Thông tư 01/2020 là 7,43%.
“Ngân hàng Nhà nước chưa đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; chưa hoàn thành xử lý các ngân hàng yếu; việc thanh tra, giám sát ngân hàng cũng chưa được cơ quan quản lý thực hiện trên cơ sở tập trung theo trọng yếu, rủi ro”, cơ quan kiểm toán đánh giá.
Cũng trong năm 2021, kiểm toán còn chỉ ra một số tổ chức đầu tư tài chính không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, chưa thu hồi được nợ tồn đọng.
Trong đó, một ngân hàng có khoản tạm ứng 7 tỷ đồng mua sinh phẩm kit test của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á để tài trợ bằng hiện vật cho Bộ Y tế trong phòng, chống dịch phát sinh năm 2020; một ngân hàng khác chưa thu hồi được gần 4,3 tỷ đồng nợ phí bảo hiểm phát sinh từ 2010, đã trích lập dự phòng 100%.
Kiểm toán cũng cho biết, có ngân hàng hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa đúng quy định và chưa kê khai nộp thuế với thu nhập từ cung cấp dịch vụ thư tín dụng theo quy định. Có ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu vào Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy đến cuối năm 2021 là 50 tỷ đồng, nhưng phải trích lập dự phòng 100%...