Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sai sót tại nhiều dự án BOT, BT
Kiểm toán Nhà nước vừa gửi báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 đến Quốc hội, trong đó có kết quả kiểm toán với 9 dự án BOT và một số dự án BT.
Vẫn có hiện tượng xác định tăng tổng mức đầu tư
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhận định, vẫn có hiện tượng xác định tăng tổng mức đầu tư, như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình số tiền 45,4 tỉ đồng; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 2) 61,9 tỉ đồng; dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc số tiền 7,7 tỉ đồng… Những dự án này cũng được xác định chưa đảm bảo tiến độ.
Một số gói thầu được thi công trước khi lựa chọn nhà thầu, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 1).
Vẫn còn nhà đầu tư chưa đảm bảo thu xếp vốn tín dụng như quy định hợp đồng BOT, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 1); cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km 45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn (dự án thành phần 2 chưa ký kết được hợp đồng tín dụng).
Một số dự án xác định chi phí sửa chữa, duy tu trong phương án tài chính chưa đủ cơ sở và căn cứ pháp lý, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 1, đợt 2).
Có dự án chưa cập nhật chi phí sử dụng trạm thu phí không dừng theo hướng dẫn của Bộ GTVT và Chính phủ như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km 45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn.
Có dự án sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục không thuộc dự án, như BOT An Sương - An Lạc sử dụng nguồn vốn thu phí BOT để hoàn vốn cho hạng mục cầu Tân Kỳ - Tân Quý không thuộc tuyến đường dự án với tổng mức đầu tư 312 tỉ đồng.
Một số dự án lập thiết kế - dự toán còn sai sót, như dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và QL1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn trị giá 22 tỉ đồng; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 (kiểm toán đợt 1 sai dự toán 36,7 tỉ đồng, kiểm toán đợt 2 sai dự toán 21,3 tỉ đồng).
Các dự án BOT vẫn có hiện tượng chậm tiến độ so với kế hoạch, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 chậm 5 tháng, nâng cấp QL1A đoạn An Sương - An Lạc chậm 5 tháng.
Kết quả, qua kiểm toán các dự án BOT trong năm 2019, KTNN đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện hơn 660 tỉ đồng, gồm sai khối lượng 74,5 tỉ đồng, sai đơn giá xấp xỉ 190 tỉ đồng, sai khác 400 tỉ đồng.
KTNN kiến nghị xử lý 925 tỉ đồng, trong đó thu hồi và giảm thanh toán gần 290 tỉ đồng, xử lý khác 620 tỉ đồng, các khoản thuế phải thu và thu hồi khác 19.400 tỉ đồng.
Kết quả kiểm toán cũng giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án 56,4 năm so với phương án ban đầu, trong đó dự án cầu Hòa Trung giảm 15,8 năm; dự án cầu Chà Là giảm 13,9 năm.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình 1 năm; dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng 4 đoạn tuyến QL60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên thuộc địa bàn tỉnh Bến Tre 7 năm.
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc 7,5 năm; dự án BOT cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn An Sương - An Lạc 6,3 năm; dự án đầu tư xây dựng đoạn TX Ninh Hòa và cải tạo QL26 tỉnh Khánh Hòa 4,9 năm.
Nhiều dự án BT xác định tổng mức đầu tư ban đầu không chính xác
Cũng theo báo cáo, năm 2019, KTNN kiểm toán chuyên đề việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT giai đoạn 2014-2018: Hà Nội có 5 dự án, Bắc Ninh 4 dự án, TP HCM 4 dự án, Thanh Hóa 4 dự án, Quảng Ninh 2 dự án, Hải Phòng 3 dự án, Hưng Yên 1 dự án, Khánh Hòa 3 dự án…
Sau kiểm toán, KTNN nhận định, hầu hết các dự án đều chỉ định nhà đầu tư, trong đó có dự án chỉ định nhà đầu tư sau khi triển khai thi công dự án. Các dự án chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất và đưa vào danh mục đầu tư. Đơn cử tỉnh Bắc Ninh có 72/83 dự án do nhà đầu tư đề xuất.
Nhiều dự án xác định tổng mức đầu tư ban đầu không chính xác. Tại Hà Nội, hầu hết các dự án xác định tổng mức ban đầu lớn hơn nhiều so với giá trị thực tế triển khai, như dự án xây dựng tuyến đường từ đê Ngọc Thụy đến khu đô thị mới Thượng Thanh (quận Long Biên) giảm dự toán gần 70 tỉ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng giảm 750 tỉ.
Dự án xây dựng đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - QL1A giảm 250 tỉ. Dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình (quận Long Biên) giảm 26 tỉ, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng giảm xấp xỉ 60 tỉ. Dự án đường Nam Sông Đốc (Cà Mau) phát hiện sai số 177 tỉ.
Có dự án được phê duyệt sau khi triển khai thi công và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, như dự án công viên hồ điều hòa Văn Miếu (Bắc Ninh).
Dự án xây dựng đường kết nối với cầu Phú Mỹ (TP HCM) lựa chọn nhà đầu tư hạn chế năng lực tài chính, nên đã phải thay đổi từ hình thức thanh toán bằng đất sang bằng tiền. Dự án này cũng được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư chưa đúng hơn 220 tỉ.
KTNN cũng chỉ ra hiện tượng các địa phương phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT, như Thanh Hóa phê duyệt diện tích và giá đất tạm tính vượt giá trị dự án BT 870 tỉ. Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối Phú Yên và Gia Lai, đoạn trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 1 chưa xác định rõ nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 540 tỉ.
Một số dự án BT không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, như dự án hệ thống tuyến đường nhánh (giai đoạn 2) khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). Tỉnh này quyết định dự kiến giao quỹ đất thanh toán hoàn vốn cho nhà đầu tư với giá trị 1.100 tỉ (tính theo đơn giá 459.000 đồng/m2) để thanh toán cho hợp đồng BT với giá trị 312 tỉ.
KTNN cũng cho rằng công tác quản lý chất lượng công trình còn nhiều tồn tại. Hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng và có địa phương còn giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án BT khi đã có văn bản tạm dừng của Bộ Tài chính; giao đất thanh toán cho dự án BT chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất trước khi dự án BT hoàn thành không đúng quy định và giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Việc xác định đơn giá đất cũng được KTNN chỉ là “chưa phù hợp”, rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực.
Dẫn chứng được nêu ra, tỉnh Khánh Hòa xác định đơn giá đất ở chỉ 620.000 đồng/m2, đất thương mại dịch vụ thuê 50 năm giá 170.000 đồng/m2 tại dự án hệ thống thoát mước mưa khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh… nhỏ hơn rất nhiều so với đơn giá tạm tính quỹ đất hoàn vốn 2.000.000 đồng/m2 của dự án này theo đơn giá đất kinh doanh phi nông nghiệp theo bảng giá đất năm 2011 của tỉnh Khánh Hòa.
Đơn giá đất “bèo” như thế cũng được xác định là chưa phù hợp đơn giá vị trí khu đất được quy hoạch đất dịch vụ du lịch, đất biệt thự nghỉ dưỡng, đất khu trung tâm sử dụng hỗn hợp và Nhà nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng…
Qua kiểm toán 29 dự án BT, KTNN kiến nghị xử lý trên 5.200 tỉ, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 110 tỉ, giảm chi ngân sách gần 1.300 tỉ, xử lý khác 1.300 tỉ, thu hồi nộp ngân sách nhà nước thanh toán vượt giá trị dự án BT 550 tỉ, giảm giá trị hợp đồng BT 2.200 tỉ.