Kiểm toán Nhà nước đóng góp tích cực trong việc quyết định các dự án quan trọng quốc gia
Thời gian gần đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã ngày càng phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, phát hiện, cảnh báo kịp thời để có thể điều chỉnh những bất cập, thiếu sót phát sinh trong quá trình thực hiện.
Cung cấp thông tin đầu vào quan trọng để quyết định các dự án đầu tư
Khoản 4 Điều 10 Luật KTNN quy định, một trong những nhiệm vụ của KTNN là: “Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước”.
Đồng thời, Luật KTNN cũng quy định báo cáo kiểm toán của KTNN là căn cứ để Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia. Thực hiện quy định của luật, thời gian gần đây, KTNN ngày càng phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng của KTNN trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo đó, trên cơ sở hồ sơ, tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, KTNN đã thực hiện phân tích, đánh giá, đưa ra ý kiến của mình về các khía cạnh như: việc đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia; sự cần thiết đầu tư; sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; phương án thiết kế sơ bộ; tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ; hình thức đầu tư…
KTNN cũng đưa ra ý kiến đánh giá về tổng mức đầu tư dự án, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư để đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ…
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn, ý kiến tham gia của KTNN khá đầy đủ, toàn diện, từ việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án quan trọng quốc gia, sự cần thiết đầu tư, sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến các thông tin cơ bản của dự án và việc triển khai thực hiện dự án…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đánh giá, những dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian qua đều phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, đây cũng là những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Để đạt được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của KTNN. “Các ý kiến góp ý, báo cáo kết quả kiểm toán của KTNN là căn cứ, dữ liệu đầu vào quan trọng hỗ trợ Ủy ban Kinh tế hoàn thành nhiệm vụ chủ trì thẩm tra mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giao” - ông Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.
Còn theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội), KTNN là cơ quan có nghiệp vụ chuyên môn sâu về những vấn đề liên quan đến dự toán, vấn đề kỹ thuật, thiết kế...
Vì vậy, việc KTNN đưa ra ý kiến của mình không chỉ đơn thuần là ý kiến khách quan, độc lập mà nó còn là căn cứ, cơ sở chắc chắn hơn cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến hay đưa ra ý kiến phản biện của mình. Bởi bản thân từng đại biểu Quốc hội không thể nào đánh giá được tính hợp lý của những con số dự toán cũng như các phương án thiết kế…
Do đó, việc phát huy vai trò của KTNN khi đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sẽ giúp cho Quốc hội, Chính phủ có tiếng nói chung, đi đến một phương án để quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả nhất.
“Điều mà tôi đánh giá cao là KTNN đã so sánh được về suất đầu tư giữa các dự án. Qua đó, chúng ta thấy là có những khoản dự toán còn chưa thuyết phục. Không chỉ so sánh giữa các dự án với nhau mà KTNN còn đưa ra so sánh giữa dự kiến đầu tư công trình này với các công trình tương tự đã đầu tư trước đây. Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ ra những phương án thiết kế, các vấn đề về kỹ thuật. Đó cũng là cơ sở để chúng ta có ý kiến trao đổi tốt hơn về phương án thiết kế, nhằm lựa chọn được phương án hiệu quả và phù hợp nhất. Đây là những thông tin rất bổ ích mà KTNN đã cung cấp cho đại biểu Quốc hội” - đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá.
Phát hiện và kiến nghị kịp thời các bất cập, vướng mắc
Cùng với việc đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, trong các nghị quyết của Quốc hội cũng giao nhiệm vụ cho KTNN căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện kiểm toán việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án.
Theo các đại biểu Quốc hội, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, KTNN luôn luôn đóng vai trò là cơ quan hậu kiểm và có vai trò độc lập. Mặc dù là hậu kiểm nhưng KTNN phải phát hiện, cảnh báo kịp thời để có thể điều chỉnh những bất cập, thiếu sót phát sinh trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, khi mỗi khâu, mỗi công đoạn hoàn thành thì lập tức KTNN phải vào cuộc để hậu kiểm lại, tức là đến khâu nào phải làm dứt điểm khâu đó. Nếu làm được như vậy thì sau khi công trình hoàn thành, có thể bảo đảm được rằng tất cả các công đoạn đều đã được nhìn nhận, đánh giá một cách độc lập. Trong quá trình đó, nếu có vấn đề cần phải chấn chỉnh, điều chỉnh cũng sẽ được xử lý nhanh, kịp thời, nhằm đảm bảo những công trình quan trọng của quốc gia được triển khai sớm nhất, hiệu quả nhất.
Đại diện một số ban quản lý dự án cũng đề nghị và mong muốn KTNN vào kiểm toán sớm, để giúp cho ban quản lý dự án và nhà thầu thấy được những vấn đề còn thiếu sót nhằm rút kinh nghiệm trong triển khai các công đoạn tiếp theo. Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN cũng ghi nhận và kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.
Đáp ứng kỳ vọng đó, những năm qua, việc kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia được KTNN xác định là nhiệm vụ trọng tâm. KTNN đã thực hiện kiểm toán một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I (2017-2020). Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện một số bất cập và đưa ra kiến nghị đối với Bộ giao thông vận tải, các ban quản lý dự án để rút kinh nghiệm trong triển khai dự án ở giai đoạn II… Trong năm 2024, một loạt dự án trọng điểm quốc gia cũng đã được đưa vào Kế hoạch kiểm toán của KTNN.
Để việc chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), dự án quan trọng quốc gia được thực hiện một cách bài bản, thống nhất trong toàn ngành, ngày 27/11/2023, Tổng KTNN đã ban hành Hướng dẫn việc chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia.
Hướng dẫn này quy định rõ nhiệm vụ, trình tự, thủ tục, nội dung chuẩn bị ý kiến của KTNN về chủ trương đầu tư CTMTQG, dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, một trong những yêu cầu bắt buộc khi xây dựng báo cáo ý kiến của KTNN là phải thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu.
Bên cạnh các thông tin tổng quan, đối với dự án quan trọng quốc gia còn cần thu thập thêm thông tin về hình thức đầu tư; công nghệ, kỹ thuật, vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ; phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư; tiến độ, phân chia giai đoạn đầu tư; phương án giải phóng mặt bằng, biện pháp bảo vệ môi trường…