Kiểm toán nhà nước đồng hành, hỗ trợ, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Vĩnh Long
Đạt và vượt 21/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao, đảm bảo chăm lo tốt cho đời sống của người dân trên địa bàn…, đó là những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long năm vừa qua. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lữ Quang Ngời, những kết quả này có được còn nhờ sự đóng góp không nhỏ của Kiểm toán nhà nước (KTNN) khi đồng hành, tư vấn, kiến nghị chính sách giúp địa phương thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
![Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp KTNN" cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long (trong ảnh, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long đứng thứ hai bên phải). Ảnh: TL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_624_51466685/a1ed650c5442bd1ce453.jpg)
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp KTNN" cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long (trong ảnh, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long đứng thứ hai bên phải). Ảnh: TL
Những năm qua, việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN về kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương đã được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của các ngành, đến nay xử lý tài chính (không kể xử lý tài chính khác) đạt kết quả rất tích cực trên 98%, có năm đạt 100%; nhiều kiến nghị được thực hiện ngay sau khi cuộc kiểm toán kết thúc.
![Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục vươn lên, phát triển đồng đều trên các mặt kinh tế - xã hội. Ảnh: TL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_624_51466685/cfd50634377ade24876b.jpg)
Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục vươn lên, phát triển đồng đều trên các mặt kinh tế - xã hội. Ảnh: TL
Trong bối cảnh tình hình chung còn nhiều khó khăn, song tỉnh Vĩnh Long đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ đề ra. Xin ông cho biết cụ thể hơn về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm vừa qua?
Năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long đạt được kết quả tích cực và khá toàn diện, 21/21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt gần 44.000 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định. Sản xuất công nghiệp phục hồi khá, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp năm 2024 tăng 13,84%. Thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất khẩu đều tăng trưởng tích cực, lần đầu tiên xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD…
Đặc biệt, lần đầu tiên tỉnh tổ chức thành công sự kiện du lịch Festival Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh quy mô cấp vùng, góp phần đạt gần 1,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 27% so với năm trước; doanh thu ước đạt 920 tỷ đồng, tăng 37%. Thu ngân sách vượt dự toán giao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 19.000 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm trước.
Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo được chú trọng thực hiện tốt. Đặc biệt, các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai đầy đủ, kịp thời, đã góp phần giúp các hộ nghèo giảm bớt những khó khăn, cải thiện cuộc sống; nhờ đó, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,95% vào cuối năm 2023 xuống còn 0,49% vào cuối năm 2024.
Như ông có nêu, kết quả của địa phương có sự đóng góp của KTNN. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này, cũng như có đánh giá về quan hệ phối hợp công tác giữa KTNN với tỉnh thời gian qua?
Nhiều năm qua, KTNN, trực tiếp là KTNN khu vực IX cùng với Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh Vĩnh Long đã tích cực phối hợp trên các mặt công tác. Hoạt động phối hợp được thực hiện trên cơ sở tuân theo pháp luật và quy định của các bên tham gia quy chế; các nội dung phối hợp là thiết thực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ quan; công tác phối hợp khá chặt chẽ, đi vào thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo mục tiêu đề ra.
Từ thực tiễn công tác quản lý, điều hành, ngân sách địa phương hằng năm, chúng tôi nhận thấy KTNN có đóng góp ngày càng quan trọng vào kết quả công tác của địa phương. Nổi bật là thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã giúp địa phương hoàn thiện hơn trong công tác quản lý, điều hành ngân sách; quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, đây còn là kênh thông tin quan trọng giúp HĐND và UBND các cấp hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương. Thông qua đó góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, cũng như đối với các tổ chức và cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của quan hệ phối hợp công tác, cũng như tác động của hoạt động kiểm toán đối với sự phát triển của địa phương, trong giai đoạn mới; KTNN và Thường trực HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất ban hành Quy chế phối hợp số 1911/QCPH: KTNN-TTHĐND-UBND ngày 15/11/2024 nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả mối quan hệ công tác giữa các cơ quan, từ đó để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan. HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Long sẽ chủ động, tích cực phối hợp để thực hiện Quy chế phối hợp đạt kết quả cao nhất, hướng đến mục tiêu chung là giúp cho việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được đúng pháp luật, công khai, minh bạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xin ông có thể cho biết thêm về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại địa phương vừa qua và đề xuất của tỉnh để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp với KTNN trong thời gian tới?
Như trên đã nêu, công tác phối hợp giữa KTNN với tỉnh Vĩnh Long thời gian qua tương đối tốt. Điều này được thể hiện rõ qua công tác phối hợp đôn đốc, thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Xác định rõ vai trò của các kết luận, kiến nghị kiểm toán, lãnh đạo tỉnh đã giao Sở Tài chính là cơ quan đầu mối tổng hợp, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của KTNN; đồng thời tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh có báo cáo kết quả tình hình thực hiện kiến nghị để gửi KTNN. Lãnh đạo tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; yêu cầu các cơ quan, đơn vị được kiểm toán định kỳ báo cáo kết quả thực hiện; khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kiến nghị để cùng trao đổi với KTNN tìm hướng tháo gỡ…
Các báo cáo kiểm toán, thông báo kết quả kiểm toán phát hành, các báo cáo tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán đều được gửi đến Thường trực HĐND, UBND tỉnh; trên cơ sở đó HĐND, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các đơn vị được kiểm toán triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán cơ bản đúng yêu cầu, thời gian quy định.
Trong thời gian tới, cùng với những nỗ lực để tiếp tục thực hiện tốt, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, tỉnh Vĩnh Long mong được KTNN tiếp tục góp ý, hướng dẫn cách làm hiệu quả thông qua những cuộc kiểm toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề; nhất là khi các quy định pháp luật được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang quyết tâm, quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc sát sao, trách nhiệm trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ vì lợi ích chung cho đất nước, cho địa phương của KTNN sẽ đóng vai trò rất quan trọng.