Kiểm toán Nhà nước góp phần hoàn thiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng
30 năm qua kể từ khi thành lập, Kiểm toán Nhà nước không chỉ thể hiện vai trò quan trọng trong hoạt động giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công mà còn có nhiều đóng góp với công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Song hành với sự nỗ lực của ngành ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra những tư vấn có giá trị và kịp thời giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành hoạt động một cách có hiệu quả, thực chất, đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước.
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công
Những năm qua, thông qua báo cáo tài chính, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra các kiến nghị thiết thực, kịp thời nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính cũng như công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nâng cao hoạt động của các đơn vị thuộc Ngân hàng nhà nước. Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý, điều hành tài chính công, tài sản công mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính công và kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định nền kinh tế.
Đồng thời, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi có thể dẫn đến rủi ro làm thất thoát, lãng phí tài sản và phòng chống tham nhũng hiệu quả. Trong đó, các nhóm kiến nghị chủ yếu đã được Kiểm toán Nhà nước đưa ra, như: Kiến nghị về xử lý tài chính; kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách; kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã giúp Ngân hàng Nhà nước kịp thời chấn chỉnh hoạt động, rút ra các bài học kinh nghiệm để tổ chức thực hiện được tốt hơn, đảm bảo đúng quy định và phù hợp với sự phát triển, tiến bộ. Trong đó, Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả tất cả các kiến nghị về: Xử lý tài chính, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ bản, giảm cấp phát thanh toán, hoàn thiện thủ tục quyết toán đối với các dự án xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách.
Kiểm toán Nhà nước đã kịp thời phát hiện, cảnh báo những điểm cần khắc phục về chính sách và hoạt động điều hành của Ngân hàng nhà nước: Trong những năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán các nội dung liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, như: Công tác điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng tiền mặt, điều hành tỷ giá, công tác thanh toán, quản lý dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, công tác xử lý nợ tồn đọng..., thực hiện kiểm toán các chuyên đề, như: Chuyên đề tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phòng chống dịch COVID-19, kiểm toán hệ thống/dự án công nghệ thông tin.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra các nhận xét, đánh giá về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị được kiểm toán. Các kiến nghị giúp sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, cách làm, giải pháp; phát hiện, cảnh báo những lỗ hổng chính sách, những hậu quả có thể xảy ra; đảm bảo cho Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị được kiểm toán tuân thủ đúng pháp luật, chế độ quản lý tài chính, kế toán, hoàn thành nhiệm vụ được giao và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Thông qua công tác kiểm toán hằng năm, Kiểm toán Nhà nước đã giúp Chính phủ, Quốc hội có cái nhìn toàn diện về công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhất là hiệu quả trong việc sử dụng các công cụ, biện pháp điều hành để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia.
Các đánh giá, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong việc thực thi các nhiệm vụ về điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao hiệu quả điều hành, cải cách chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Hiện nay, trong công tác kiểm toán hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, việc xem xét bối cảnh kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều kiện, tâm lý thị trường là hết sức cần thiết để có những đánh giá khách quan về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ.
Minh bạch, tự chủ trong điều hành chính sách tiền tệ
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị khắc phục một số hạn chế, thiếu sót trong hệ thống kiểm soát nội bộ của Ngân hàng nhà nước. Thực hiện những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, ngày càng hoàn thiện về cơ chế chính sách và hành lang pháp lý để khẳng định vai trò giúp phòng ngừa các rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động.
Do đó, hiệu quả hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, Ngân hàng Nhà nước ngày càng được nâng cao, góp phần đảm bảo cho các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước hoạt động đúng hành lang pháp luật, an toàn và hiệu quả…
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước giúp các tổ chức tín dụng xác định xem các chi phí vận hành nội bộ đã hợp lý chưa.
Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, những đánh giá của Kiểm toán Nhà nước về chi phí vận hành nội bộ là một trong những cơ sở, căn cứ để các tổ chức tín dụng tính toán giảm chi phí, lãi suất cho vay một cách phù hợp.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định: Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý tiền tệ của quốc gia, chịu trách nhiệm xây dựng và thực thi chính sách tiền tệ với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm ổn định giá trị của đồng tiền; thực hiện cung tiền cho nền kinh tế, kiểm soát lãi suất và là người cho vay cuối cùng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có một vai trò và vị trí vô cùng đặc biệt trong nền kinh tế của đất nước. Trong quá trình thực hiện chức năng của mình, Ngân hàng Nhà nước cần đảm bảo tính độc lập, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tính độc lập cao đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình càng cao.
Do đó, bên cạnh việc thiết lập và hoạt động hiệu quả của kiểm toán nội bộ, kiểm toán bên ngoài đóng một vai trò quan trọng trong trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước, chứng nhận tính chính xác của báo cáo tài chính và tính hiệu quả của các cơ chế kiểm soát nội bộ. Với sự hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế trong nước với thế giới, để tăng cường phát huy hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước mong muốn Kiểm toán Nhà nước tăng cường kiểm toán đánh giá hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị cấp có thẩm quyền nhằm khẳng định vai trò, vị trí của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo tính độc lập, minh bạch, tự chủ trong điều hành chính sách tiền tệ theo đúng các chuẩn mực quy định quốc tế.
Có thể nói, Kiểm toán Nhà nước để lại những dấu ấn rõ nét, có vai trò quan trọng trong hoạt động của Ngân hàng nhà nước. Trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cùng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, bảo đảm các nguồn lực tài chính, tài sản công được sử dụng một cách tiết kiệm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.