Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính về đất hơn 5,3 nghìn tỷ đồng

Kết quả thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến quản lý bất động sản (BĐS). Trong đó, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính về đất 5.379 tỷ đồng.

Chỉ ra những bất cập, hạn chế trong quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực này.

Các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: VPQH

Các đại biểu tham dự Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tình trạng kê khai giá chuyển nhượng đất thấp để trốn thuế vẫn phổ biến

Như tin đã đưa, sáng 28/10, Quốc hội thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) đánh giá, kết quả giám sát trong giai đoạn 2015-2023 cho thấy bức tranh khá toàn diện về sự phát triển của thị trường BĐS và nhà ở xã hội (NOXH).

Theo đại biểu, cùng với sự phát triển của thị trường BĐS, vấn đề NOXH đã được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm. Nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo, người có công với cách mạng, công nhân đã được triển khai thực hiện với mục tiêu đảm bảo nhà ở cho người có thu nhập thấp, giúp các đối tượng này ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng đã chỉ ra cụ thể những bất cập, vướng mắc về quản lý thị trường BĐS và NOXH. Trong đó, thị trường BĐS và NOXH phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá BĐS còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng nêu rõ, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến quản lý BĐS. Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính về đất 5.379 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 4.700 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 678 tỷ đồng).

Các sai phạm chủ yếu liên quan đến phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định giá đất; thủ tục đầu tư xây dựng...

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đánh giá, các chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NOXH chưa theo kịp với sự phát triển nhanh chóng của thị trường. Một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật về kinh doanh BĐS và các quy định liên quan như pháp luật về đất đai, nhà ở…

Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh doanh BĐS còn thiếu, chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý. Tình trạng kê khai giá chuyển nhượng đất đai thấp hơn giá thực tế để trốn thuế vẫn còn phổ biến. Các quy định về điều kiện đối với người thụ hưởng chính sách NOXH và quy trình đầu tư đất đai để phát triển NOXH còn bất cập - đại biểu Dương Khắc Mai nêu.

Nhanh chóng tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế

Đưa ra giải pháp, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng những bất cập, hạn chế của chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường BĐS và phát triển NOXH.

Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Đại biểu Dương Khắc Mai phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Theo đó, bên cạnh 22 nội dung còn vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật sau khi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 ban hành đã được chỉ ra trong Báo cáo giám sát, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất kịp thời, đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm đối với các các dự án BĐS gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thị trường BĐS và NOXH.

Đại biểu nhấn mạnh, những bất cập, chồng chéo về thể chế được chỉ ra trong Báo cáo giám sát là căn cứ vô cùng quan trọng để các cơ quan soạn thảo cập nhật, nghiên cứu, sửa đổi đối với các dự án luật ngay từ Kỳ họp này. Đồng thời, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết liên quan đến quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở sau khi các Luật được thông qua; đề nghị các địa phương cần phải tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các luật như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... đảm bảo các chính sách được Quốc hội thông qua thực sự đi vào thực tiễn...

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả nhóm giải pháp về thể chế trong thời gian tới. Trong đó, cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường BĐS công khai, dễ tiếp cận để người dân nắm rõ giá đất, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong tổng số 191 vướng mắc, bất cập chung ở cả hai lĩnh vực từ năm 2015 đến năm 2023, có đến 103 vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS; 60 vướng mắc, bất cập trong chính sách, pháp luật về phát triển NOXH. Ngoài ra, còn ghi nhận 5 vướng mắc, bất cập khác từ tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 23 nội dung từ tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy

Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình), mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật hiện hành, song hệ thống pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NOXH chưa thực sự đồng bộ, còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể để áp dụng thi hành được ngay mà còn phải ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chậm được ban hành so với thời điểm có hiệu lực thi hành…

Vì vậy, đại biểu thống nhất với những kiến nghị của Đoàn giám sát và cơ bản đồng tình với những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NOXH tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần bổ sung những giải pháp riêng, đủ mạnh để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BĐS còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện kéo dài, có nguyên nhân từ việc thay đổi pháp luật qua các thời kỳ, các dự án BĐS theo các kết luận thanh tra, kiểm toán kéo dài, chưa có kết quả, làm chậm xử lý các thủ tục triển khai thực hiện, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp và khách hàng./.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-nha-nuoc-kien-nghi-xu-ly-tai-chinh-ve-dat-hon-5-3-nghin-ty-dong-35856.html