Kiểm toán phát hiện sớm lãng phí trước khi xảy ra sai phạm

Thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, sáng 5/7, đoàn giám sát có buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì buổi làm việc.

Theo kết quả kiểm toán giai đoạn 2016-2021, qua hơn 1.200 cuộc kiểm toán, đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 431 nghìn tỉ đồng (trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước hơn 72.300 tỉ đồng; giảm chi hơn 107 nghìn tỉ đồng; xử lý khác hơn 265 nghìn tỉ đồng), kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 960 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không còn phù hợp.

Bên cạnh đánh giá cao kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), một số ý kiến cho rằng số liệu báo cáo về phát hiện vi phạm, kiến nghị xử lý thu hồi - kết quả thực hiện kết luận kiểm toán cho cả giai đoạn 2016-2021 hiện còn độ trễ về thời điểm, cần được rà soát để chuẩn hóa, đồng bộ, khớp nối với nhau, từ đó xác định cụ thể những kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện đến ngày 31/12/2021 và đến nay. Cùng với đó, báo cáo cần thêm các số liệu, dẫn chứng phân loại theo nhóm vấn đề để đưa ra nhận định.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Có rất nhiều dư luận, báo chí, rồi từ kiến nghị của cử tri cũng đặt ra vấn đề là trong kế hoạch kiểm toán hàng năm như thế bao nhiêu số lượng các đoàn được kiểm toán trên cơ sở dữ liệu này. Trên cơ sở đó mới chứng minh được là có nhiều nội dung sai phạm kiểm toán chúng ta đã tổ chức triển khai kiểm toán rồi, đưa vào kế hoạch kiểm toán hàng năm rồi. Tôi đề nghị cung cấp thêm số lượng này."

Giai đoạn 2016 - 2021, KTNN mới chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý và cung cấp 763 hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Những con số này vẫn còn quá ít so với một loạt các vụ việc được phản ánh trong thời gian vừa qua. Một số ý kiến cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh kiểm toán cả quá trình hoạt động quản lý, hạn chế mức thấp nhất xảy ra vi phạm.

Ông BÙI ĐỨC THỤ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia: “Chúng ta chủ yếu là kiểm toán sau, kiểm toán, quyết toán sau khi đã thực hiện các dự án công trình. Mất rồi chúng ta mới phát hiện, cái đó cũng tốt để thu hồi vốn, tài sản Nhà nước, để lập lại kỉ cương, để răn đe…. Cái đó là đúng, là cần thiết. Nhưng tôi cho rằng cái cần thiết nữa, cũng không kém phần quan trọng là cần quan tâm đến kiểm toán trước”.

Ông DƯƠNG QUỐC ANH, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Rất cần có việc kiểm toán là kiểm toán cả quá trình vận hành của nó, từ khởi đầu cho đến quá trình, và nếu thấy khả năng hiệu quả lãng phí thì kiểm toán phải dừng hoạt động đó lại.”

Bên cạnh đó, với chức năng của mình, kiểm toán cũng cần tập trung chú trọng phát hiện các kẽ hở trong quy định cơ chế, chính sách; làm rõ những “điểm nghẽn”, rào cản ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế, giúp hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, nhất là các quy định về tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật.

Thực hiện : Thanh Nga Ngọc Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/kiem-toan-phat-hien-som-lang-phi-truoc-khi-xay-ra-sai-pham