Kiểm toán thành công không phải năm sau phát hiện nhiều sai sót hơn năm trước
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, kiểm toán thành công là phải mang tính phòng ngừa và ngăn chặn.
Ý kiến trên được Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu chia sẻ bên lề hành lang, sau phiên chấn vấn Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn vào chiều ngày 5/6.
Tỷ lệ văn bản sửa đổi theo kiến nghị đạt trên 30%
Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước gửi đến Quốc hội, kết quả kiểm toán thời gian qua của Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán, như: Công tác quản lý, điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ còn hạn chế; việc xác định phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn của các hợp đồng BT, BOT có nhiều bất hợp lý...
Trong 5 năm gần nhất (từ năm 2019 đến năm 2023), Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị 331.367,4 tỷ đồng (gồm tăng thu ngân sách nhà nước 30.539,6 tỷ đồng; giảm chi ngân sách nhà nước 96.183,8 tỷ đồng; kiến nghị khác 204.644 tỷ đồng).
Đồng thời, Kiểm toán nhà nước đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua kiểm toán cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp để xem xét xử lý. Kết quả kiểm toán trong những năm gần đây cho thấy, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp còn một số hạn chế.
Đặc biệt, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm (2019-2023) kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 1.069 văn bản, tỷ lệ thực hiện tương đối thấp, bình quân khoảng trên 31,6%.
"Tuy nhiên, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tỷ lệ này đã được tăng lên. Theo đó, năm 2023 đã sửa được 78/277 văn bản, đạt 36%"- ông Ngô Văn Tuấn cho hay.
Trước số lượng văn bản kiến nghị sửa đổi lớn, tỷ lệ thực hiện thấp đã khiến đại biểu đặt câu hỏi về hiệu quả của công tác kiểm toán hiện nay.
Kiểm toán phải đúng nội dung, đúng đối tượng
Ông Phan Đức Hiếu khẳng định, kiểm toán thành công không phải năm sau phát hiện nhiều sai sót hơn năm trước. Kiểm toán thành công là phải đúng nội dung, đúng đối tượng, phải mang tính phòng ngừa và ngăn chặn. Tránh để xảy ra vụ việc rồi đi giải quyết hậu quả.
Qua phần các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi với Tổng Kiểm toán nhà nước tại phiên chất vấn sáng nay (5/6), ông Phan Đức Hiếu cho hay, đại biểu còn băn khoăn trước một số vụ trọng án đã xảy ra và được nêu tại hội trường. Ông Hiếu đặt câu hỏi làm sao kiểm toán chọn được nội dung kiểm toán sát hơn? Làm sao kiểm toán đúng đối tượng để phát hiện sớm các vấn đề, từ đó phòng ngừa và ngăn chặn để vụ việc không xảy ra.
“Đại biểu cũng băn khoăn việc thực hiện kết luận của kiểm toán như báo cáo đã nêu. Muốn kiểm toán có hiệu quả thì điều kiện tiên quyết phải thực hiện có hiệu quả các kết luận của kiểm toán. Để làm được điều này, giải pháp đầu tiên phải nâng cao được chất lượng của hoạt động kiểm toán cả về mặt chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp” - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Liên quan đến kiến nghị về thể chế trong báo cáo của Kiểm toán nhà nước, ông Phan Đức Hiếu cho biết: Với tôi vấn đề thu hồi tài sản không phải là quan trọng nhất, mà là vấn đề hoàn thiện thể chế chính sách. Kết luận của kiểm toán đưa ra rất nhiều kiến nghị trong đó đáng chú ý là kiến nghị sửa đổi, bổ sung 1.069 văn bản. Được biết số văn bản này nằm trong 14 luật, hơn 100 thông tư và văn bản khác, rất nhiều quy định về chính sách chưa phù hợp.
Theo ông Phan Đức Hiếu, đây là nội dung rất quan trọng. Ông mong muốn thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tập trung phối hợp với các cơ quan, thậm chí cả vai trò của Chính phủ trong việc thực hiện chỉ đạo kết luận của kiểm toán để hoàn thiện thể chế chính sách.
Không phù hợp cần bãi bỏ ngay
Để không là ‘'rào cản’' cho sự phát triển và không mất thời gian để thực hiện theo “quy trình xây dựng văn bản pháp luật”, ông Phan Đức Hiếu đã đề xuất một cách làm mới đó là sàng lọc và tập hợp lại những quy định không phù hợp và trình Chính phủ, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì ra Nghị quyết bãi bỏ đồng loạt. Nếu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội bãi bỏ.
Theo ông Phan Đức Hiếu, nếu 1.069 văn bản gắn với chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo từng văn bản, từng bộ ngành rồi căn cứ vào chương trình xây dựng pháp luật để trình sửa đổi, bổ sung từng văn bản riêng lẻ sẽ không nhanh, không kịp thời và không hiệu quả.
“Nên tôi muốn một giải pháp đồng loạt, dứt điểm, thậm chí những quy định không cần thiết Kiểm toán nhà nước có thể bãi bỏ ngay lập tức’' - ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh và cho rằng, nếu làm theo cách này thì sẽ phát huy rất tốt vai trò của kiểm toán trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách.
Ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, sai sót phải giảm đi thì mới là thành công của kiểm toán thông qua công tác phòng ngừa. Vì vậy, kiểm toán nên suy nghĩ giải pháp để các cơ quan tuân thủ và ngành kiểm toán nên phát huy hơn nữa công tác hướng dẫn, tuyên truyền, tập huấn về công tác quản lý tài sản, quản lý chi tiêu ngân sách. “Có thể chọn ra ngành hay dự án mà Kiểm toán thấy hay để xảy ra sai sót, và sai sót điển hình để từ đó tập huấn, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ quan có liên quan biết, tránh được các sai sót tương tự” - ông Hiếu nhấn mạnh.