Kiểm tra balo, soát người học sinh mỗi ngày: Trường học hay trại giáo dưỡng?

Việc trường học kiểm tra balo, soát người học sinh mỗi ngày cần phải dừng lại ngay nếu không muốn quá nhiều học sinh bị tổn thương cũng như cảm thấy bị xâm phạm quyền con người.

Liên quan đến phản ánh việc hàng ngàn học sinh tại Trường THCS - THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị kiểm tra cặp, soát người mới được vào lớp, mới đây Ban Giám hiệu Trường này đã gửi thư ngỏ đến phụ huynh.

Theo nhà trường, nhờ việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp kiểm soát tốt vấn đề an ninh mà nhà trường đã xây dựng được một môi trường học tập, sinh hoạt thân thiện, an toàn, lành mạnh, tạo sự yên tâm cho phụ huynh học sinh, đặc biệt là môi trường nội trú, bán trú. Các biện pháp kiểm soát đã góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường, không có tình trạng bạo lực học đường, giúp các em yên tâm học tập rèn luyện, phụ huynh an lòng khi con ở trường.

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Sư phạm, ĐH Sư Phạm Hà Nội

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Sư phạm, ĐH Sư Phạm Hà Nội

Trường học hay trại giáo dưỡng?

Nêu quan điểm về việc kiểm soát học sinh, thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Sư phạm, ĐH Sư Phạm Hà Nội cho rằng, thầy không ủng hộ việc kiểm tra balo, soát người học sinh mỗi ngày.

Bởi vì theo thầy Công, điều này xâm phạm quyền, lợi ích, tự do, bí mật cá nhân của học sinh. “Đây là trường học chứ không phải trại giáo dưỡng. Mặc dù xuất phát từ mục tiêu đúng, nhưng cách làm đã "lấy đi tự do" của quá nhiều học sinh”- thầy Công chia sẻ.

Cũng theo vị giáo viên này, nhà trường nên tìm giải pháp thay vì áp đặt việc kiểm tra, soát người như 10 năm qua. “Theo tôi nhà trường nên tuyên truyền, giáo dục đặt lên hàng đầu, vai trò trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp để nắm bắt tình hình, tâm sinh lí và các bất thường từ giai đoạn sớm, nếu có dùng giải pháp tập trung vào các học sinh có dấu hiệu, cá biệt...”- thầy Công nêu quan điểm.

Thầy Công cho rằng, có thể người ta sẽ giải thích bằng kết quả trong bao nhiêu năm không có vũ khí, thuốc lá... vào trường nhưng người ta không giải thích được bao nhiêu đứa trẻ bị tổn thương tâm lí khi bị lục soát, hoặc hình thành tâm lí chấp nhận cho người khác lục soát... nó sẽ tệ hại thế nào.

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà

Cần dừng lại ngay?

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam cũng cho rằng, đây là một điều đáng tiếc. Vì theo bà Hà, một đứa trẻ trưởng thành phải được an toàn. Có nghĩa là môi trường được xác định an toàn, không có việc khám xét, không có việc tìm tòi và đưa ra quy tắc cứng nhắc.

Việc khám xét quá mức tạo ra cho các con tâm lý, tác động đến những vấn đề riêng tư, cuộc sống, con người của con trẻ. Có thể mục tiêu ngắn hạn là đạt được nhưng mục tiêu dài hạn để phát triển một con người chủ động, tự tin, yêu thích với học tập và tương tác tích cực với giáo viên và bạn bè thì không đạt được.

Vì vậy, việc này cần dừng lại ngay. Nhà trường cần xây dựng cho con những bộ công cụ ứng xử hợp lý chứ không phải việc đánh giá khám xét”- bà Hà nói.

Được biết, ông Lê Ngọc Sơn - hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã có thông báo dừng việc lục cặp, soát người học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng kêu gọi, mong muốn cha mẹ học sinh hiến kế cho trường giải pháp để đảm bảo an toàn mà không phải lục cặp, soát người học sinh.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kiem-tra-balo-soat-nguoi-hoc-sinh-moi-ngay-truong-hoc-hay-trai-giao-duong-post1576750.tpo