Kiểm tra cải cách hành chính: Nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước

Đoàn kiểm tra CCHC của TP Tuy Hòa kiểm tra công tác CCHC tại phường Phú Đông. Ảnh: CTV

Kiểm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết trong công tác quản lý Nhà nước cũng như trong quản lý, chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (CCHC). Qua đó kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những vướng mắc hoặc sai sót trong thực hiện CCHC.

Xác định tầm quan trọng của công tác kiểm tra CCHC, hàng năm, các sở, ban ngành và địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể.

Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai sót

Mới đây, TP Tuy Hòa kiểm tra công tác CCHC tại các phường, xã trên địa bàn thành phố, bao gồm: kiểm tra công tác chỉ đạo điều hành triển khai công tác CCHC; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử. Đồng chí Huỳnh Lữ Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuy Hòa, đánh giá: “Đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý những vướng mắc hoặc sai sót trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cụ thể, việc cập nhật TTHC mới để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị còn chậm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính chưa tích cực, nhiều địa phương chưa công khai đầy đủ số điện thoại đường dây nóng lãnh đạo thành phố và địa phương tại bộ phận một cửa…”.

Tại huyện Sông Hinh, công tác kiểm tra CCHC, kiểm tra TTHC cũng được thực hiện tốt. Đặc biệt, huyện thường xuyên kiểm tra đột xuất một số cơ quan, đơn vị về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính để chấn chỉnh thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). “Qua kiểm tra, chúng tôi hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng công tác CCHC. Đồng thời ghi nhận những nơi thực hiện tốt để kịp thời động viên, khuyến khích nâng cao chất lượng phục vụ”, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho biết.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Ngọc Tuấn, hàng năm, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác CCHC theo quy định. Riêng từ đầu năm đến nay, Sở Nội vụ đã thành lập tổ kiểm tra việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính; tiến hành kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của CBCCVC và kết quả giải quyết hồ sơ TTHC tại 12 cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, sở kiến nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở bộ phận một cửa của UBND cấp xã giải quyết TTHC đúng quy định, phục vụ tốt yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh CBCCVC, người lao động trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. “Việc kiểm tra phát hiện, chấn chỉnh kịp thời sai sót giúp cho đội ngũ phục vụ ngày càng chuyên nghiệp, đảm bảo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận các TTHC”, ông Trương Ngọc Tuấn khẳng định.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm

Theo hầu hết người đứng đầu các địa phương, sở ngành, việc kiểm tra không chỉ phát hiện kịp thời vướng mắc để khắc phục mà đây là một cơ hội quan trọng giúp những người đứng đầu, những người phụ trách công tác CCHC nâng cao tinh thần trách nhiệm, luôn chỉn chu, không lơ là trong việc chỉ đạo công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị mình.

Được biết, trong các kế hoạch kiểm tra CCHC, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều tiến hành kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo điều hành và kết quả thực hiện CCHC trên các lĩnh vực từ cải cách thể chế, cải cách TTHC, cải cách tổ chức bộ máy đến xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính. Qua kiểm tra, cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng được đoàn kiểm tra chỉ ra những ưu điểm, mặt mạnh và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đồng thời có những kiến nghị với đơn vị giúp công tác CCHC ngày càng hoàn thiện hơn. Chính vì vậy, sau mỗi đợt kiểm tra, kết quả thu về ít nhiều cũng có những chuyển biến tích cực, nhất là trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục tồn tại hạn chế để cải thiện chỉ số CCHC cho cơ quan, địa phương mình.

Theo ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở TN-MT, sở có mối quan hệ chặt chẽ với các sở, ban ngành, cơ quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp và cá nhân. Chính vì vậy, việc nâng cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện công tác CCHC là rất quan trọng, nhất là giải quyết các TTHC liên quan đến đất đai. Trong đó, kiểm tra, giám sát CCHC, nhất là giải quyết hồ sơ đăng ký đất đai, theo dõi quy trình giải quyết hồ sơ, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân chậm trễ để khắc phục, xử lý là một trong những giải pháp hàng đầu được sở thực hiện.

“Mỗi đợt kiểm tra CCHC là cơ hội để cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến địa phương nhìn nhận, suy ngẫm lại kết quả triển khai các nội dung liên quan tới CCHC thời gian qua, cũng như phân tích, thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan liên quan tới con người, tổ chức, bộmáy, quy trình, công nghệ… Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, thực chất hơn nữa các chỉ số thành phần. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong năm 2022 mà cho cả giai đoạn 2020-2025”, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh và cho biết, tỉnh luôn quan tâm đến công tác kiểm tra CCHC hàng năm và mong muốn thông qua đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đưa ra các ý kiến, góp ý chi tiết về các nội dung, chỉ tiêu công tác CCHC của tỉnh; cùng nhau gợi mở nhiều hướng đi, cách làm để thực hiện công tác CCHC một cách hiệu quả và thực chất.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh phải xác định được những điểm cần tập trung, có giải pháp gắn với việc phân công, tiến độ và trách nhiệm cá nhân cụ thể; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các mục tiêu CCHC. Mục tiêu đến cuối năm nay, tỉnh phải cải thiện được kết quả các chỉ số liên quan đến CCHC, gồm: PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

PHONG NHÃ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/405/286700/kiem-tra-cai-cach-hanh-chinh--nhiem-vu-quan-trong-trong-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc.html