Kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và hướng xử lý liên quan đến các vụ phá rừng tại huyện Quan Sơn

Ngày 26-5, đoàn công tác liên ngành gồm đại diện các đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông (NN&PTNT), Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, huyện Quan Sơn và các chủ rừng nhà nước trên địa bàn, đã có chuyến kiểm tra thực địa và tổ chức làm việc để làm rõ trách nhiệm, đề xuất hướng xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến các vụ phá rừng trên địa bàn huyện Quan Sơn thời gian gần đây.

Các lực lượng kiểm tra một cây gỗ trong khu rừng thuộc khu vực suối Len, xã Na Mèo bị đốn hạ.

Theo báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, những ngày cuối năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, các xã và lực lượng kiểm lâm đã phát hiện liên tiếp 4 vụ phá rừng trên địa bàn huyện Quan Sơn.

Vụ thứ nhất xảy ra ngày 24-11-2021, UBND xã Sơn Thủy và các lực lượng liên quan đã kiểm tra rừng, phát hiện tại khu vực suối Cướm, suối Toong, khu Vũng Cộp thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy có 3 cây gỗ giổi trên đất rừng phòng hộ, 6 cây gỗ SP bị đốn hạ với khối lượng gỗ giổi 13,690 m3 và hơn 9 m3 gỗ SP. Giám đốc Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Chi cục Kiểm lâm đã có công văn yêu cầu yêu cầu Hạt Kiểm lâm Quan Sơn báo cáo Thường trực huyện ủy, UBND huyện để chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Hạt Kiểm lâm Quan Sơn đã khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Quan Sơn tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Vụ thứ 2 được phát hiện qua phản ánh của báo chí vào ngày 25-1-2022, tại khu Suối Len, xã Na Mèo và bản Na Lộc xã Sơn Điện với 8 cây gỗ SP bị khai thác, tổng khối lượng gỗ gần 5,5 m3. Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND huyện Quan Sơn và các ngành hữu quan của huyện bàn giải pháp xử lý tình trạng khai thác rừng trái pháp luật nêu trên; đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định. Sở cũng đã tổ chức hội nghị kiểm điểm trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Quan Sơn; trách nhiệm cá nhân của Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách tuyến, Trạm trưởng, nhân viên bảo vệ rừng Trạm Bảo vệ rừng Piềng Luông; đang thực hiện quy trình thực hiện các bước xem xét trách nhiệm kỷ luật đối với tập thể Ban Quản lý Rừng phòng hộ Quan Sơn và các cá nhân liên quan. Hạt Kiểm lâm Quan Sơn đã củng cố hồ sơ, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người nhận giao khoán rừng là ông Phạm Bá Tú 50 triệu đồng, giao Ban Quản lý Rừng phòng hộ Quan Sơn xem xét, thu hồi lại rừng giao khoán. Đối tượng khai thác cũng đã bị Công an huyện điều tra, lập hồ sơ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tang vật của một vụ phá rừng là gỗ tạp được tịch thu và tập kết tại Trạm Bảo vệ rừng Piềng Luông, huyện Quan Sơn.

Vụ thứ 3 diễn ra ngày 30-3, khi lực lượng kiểm lâm và UBND xã Na Mèo phát hiện bị khai thác 5 cây gỗ, khối lượng 8,727 m3 ở khu vực suối Salit. Giám đốc Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm; Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Quan Sơn, yêu cầu báo cáo Thường trực huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững huyện. Công an huyện, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo phối hợp với các lực lượng liên quan và UBND xã Na Mèo tiến hành kiểm tra, xác minh, tổ chức truy tìm đối tượng khai thác. Hạt kiểm lâm Quan Sơn đã củng cố hồ sơ, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ đươc giao khoán bảo vệ rừng số tiền 50 triệu đồng.

Hội nghị giữa các lực lượng và đơn vị liên quan.

Vụ thứ 4 được phát hiện ngày 13-4 tại khu vực bản Cóc, xã Sơn Thủy với 9.515 m2 rừng bị phá. Đây là vụ hộ dân tự thuê người phát dọn diện tích rừng tự nhiên được giao khoán để lấy mặt bằng trồng vầu. Đã có 28 cây gỗ bị chặt hạ, với khối lượng gỗ 18,185 m3 và 8 bụi nứa với 118 cây. Giám đốc Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp UBND huyện Quan Sơn xử lý nghiêm minh đối tượng phá rừng; Chi cục Kiểm lâm đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm Quan Sơn phối hợp Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Quan Sơn, UBND xã Sơn Thủy tiến hành khám nghiệm hiện trường; đồng thời trưng cầu giám định tư pháp, trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự. Hiện vụ việc đã được Hạt Kiểm lâm Quan Sơn chuyển đến Công an huyện để tiếp tục trưng cầu giám định về thiệt hại làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm báo cáo tình hình an ninh rừng trên địa bàn huyện Quan Sơn.

Để có cái nhìn chính xác và thấu đáo các vụ vi phạm nói trên, các thành viên đoàn công tác liên ngành đã dành nhiều thời gian đến kiểm tra trực tiếp hiện trường các địa điểm xảy ra phá rừng. Thực tế cho thấy, chỉ vụ phá rừng thứ nhất trên địa bàn xã Sơn Thủy là có yếu tố thương mại. Các vụ sau đó chủ yếu chặt hạ cây gỗ tạp, ít hoặc không có giá trị sử dụng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đối tượng phá rừng cũng không thu số gỗ chặt hạ mà bỏ lại hiện trường. Vụ phá rừng tự nhiên để trồng vầu tại xã Sơn Thủy là do thiếu hiểu biết, một phần nguyên nhân là do chính quyền địa phương và các ngành liên quan còn yếu trong công tác tuyên truyền, bám nắm địa bàn để ngăn chặn kịp thời.

Đại diện lãnh đạo huyện Quan Sơn thảo luận các nội dung liên quan.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, đơn vị liên quan đều khẳng định, nhiều năm gần đây, Quan Sơn đã thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; không xuất hiện tình trạng nổi cộm trong vi phạm các quy định bảo vệ rừng. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ che phủ rừng của huyện Quan Sơn đạt tới 88% - trở thành địa phương có tỷ lệ cao nhất cả tỉnh cũng như của cả nước. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn đã để xảy ra 4 vụ vi phạm đến an ninh rừng, gây dư luận không tốt, biến huyện biên giới này trở thành “điểm nóng” phá rừng trên địa bàn tỉnh.

Đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo phát biểu tại buổi làm việc

Các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan để xảy ra các vụ việc. Theo đó, công tác tham mưu của các chủ rừng nhà nước có tích cực nhưng có lúc chưa sát thực tế, còn chung chung. Khâu phối hợp giữa các lực lượng liên quan chưa đạt hiệu quả cao; việc phối hợp bào vệ rừng giáp ranh giữa các huyện chưa tốt. Công tác quản lý, vận động, tuyên truyền nhận thức bảo vệ rừng của các xã chưa tốt, nhất là trường hợp người dân phá rừng tự nhiên được giao để trồng vầu mà không ý thức được hành vi vi phạm. Nhiều giải pháp để siết chặt quản lý, bảo vệ rừng của các đơn vị cũng được đưa ra thảo luận tại hội nghị.

Lãnh đạo Công an huyện Quan Sơn cam kết đẩy nhanh các khâu liên quan để sớm khởi tố một số bị can.

Về xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan, các cơ quan liên quan cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đưa ra xét xử những trường hợp gây hậu quả lớn theo quy định; xem xét thêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.

Lê Đồng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/kiem-tra-lam-ro-trach-nhiem-va-huong-xu-ly-lien-quan-den-cac-vu-pha-rung-tai-huyen-quan-son/159875.htm