Kiểm tra, nghiệm thu mô hình trồng trà hoa vàng
Ngày 28/11, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận tổ chức chuyến kiểm tra, nghiệm thu mô hình trồng cây dược liệu Trà hoa vàng.
Theo đó, mô hình có diện tích 1,5 ha do Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm chủ đầu tư, được trồng từ tháng 7/2023 tại Tiểu khu 418, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, thuộc lâm phận Ban quản lý Rừng phòng hộ Đức Linh.
Trà hoa vàng hay là loại cây thuộc họ chè, có tên khoa học là Camellia chrysantha. Cây Trà hoa vàng là loại dược liệu quý. Trà hoa vàng thường dùng để làm thuốc, trong đó cả lá, hoa và búp non đều được tận dụng để sơ chế, trong đó hoa Trà hoa vàng được sử dụng nhiều nhất. Hoa thường được thu hoạch vào khoảng giữa tháng 10 đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Những bộ phận sau khi thu hoạch có thể dùng dạng tươi ngay hoặc sơ chế thành dạng sấy khô. Trà hoa vàng khô được sử dụng phổ biến vì có thể bảo quản được lâu trong các hộp thủy tinh, túi bóng.
Theo đánh giá của đơn vị chủ đầu tư, mật độ thiết kế trồng cây Trà hoa vàng 2.000 cây/ha, sau trồng 1 tháng mật độ thực trồng 1.900 cây, tỷ lệ sống 95%. Sau 6 tháng trồng, mật độ thực trồng 1.800 ha, tỷ lệ sống 90%. Trà hoa vàng từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 4 -5 năm. Do đó, Chi cục đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét bố trí kinh phí chăm sóc, tưới tạo ẩm trong năm 2024 để tiếp tục thực hiện mô hình.
Trước đó ít ngày, đơn vị chủ đầu tư đã tiến hành kiểm tra, nghiệm thu các mô hình trồng cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh gồm nấm lim chi, cây khoai mài (Hàm Thuận Nam), sâm bố chính (Bắc Bình).