Kiểm tra tình hình triển khai công tác hòa giải ở cơ sở tại xã Nhân Cơ

Đoàn kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp kiểm tra tình hình triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông).

Chiều 19/8, Đoàn kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp do ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) làm trưởng đoàn có buổi kiểm tra tình hình triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp.

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Thời gian qua, UBND xã Nhân Cơ đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên. Hiện nay, trên địa bàn xã có 11 tổ hòa giải với 80 hòa giải viên đang hoạt động. Mỗi tổ có từ 5 đến 7 hòa giải viên, bảo đảm thành phần, huy động được lực lượng công an viên, người có uy tín trong đồng bào tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

Hiện nay, xã có 2 tổ hòa giải ở cơ sở kiểu mẫu. Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã tiếp nhận tổng số 14 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, hòa giải thành 14/14 vụ, đạt tỷ lệ 100%. Trong 6 tháng đầu năm 2024 hòa giải 4 vụ việc, trong đó hòa giải thành 2 vụ việc, không thành 2 vụ việc. Việc chi thù lao cho hòa giải viên, chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải đạt 100% bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, qua đó góp phần tạo điều kiện khuyến khích hòa giải viên tích cực tham gia công tác hòa giải cơ sở tại địa phương.

Trong công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND xã Nhân Cơ quan tâm triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Xã ban hành quyết định phân công công chức chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá, chấm điểm đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật.

Quy trình đánh giá, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện bài bản, đúng thủ tục theo quy định, hồ sơ tài liệu kiểm chứng đầy đủ, rõ ràng với điểm số cao 90 điểm và đạt tiêu chí 16 “Tiếp cận pháp luật” trong Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Tại buổi làm việc, UBND xã Nhân Cơ thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại như: Chưa kịp thời phân công các công chức chuyên môn cấp xã theo dõi các chỉ tiêu tiêu chí ngay từ đầu năm; tổ chức đánh giá, gửi hồ sơ đề nghị xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 chưa đúng thời gian theo quy định. Xã chưa ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Chưa thực hiện việc lập, cập nhật danh mục thông tin phải công khai theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật năm 2023 nội dung kế hoạch còn chung chung…

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) yêu cầu xã Nhân Cơ cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở

Ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) yêu cầu xã Nhân Cơ cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở

Kết luận tại buổi làm việc, ông Phan Hồng Nguyên đề nghị các cấp, ngành liên quan và xã Nhân Cơ cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ nếu có khó khăn, vướng mắc thì xã cần kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. Địa phương nhân rộng các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hiệu quả, bổ sung các hồ sơ bầu hòa giải viên theo đúng quy định pháp luật cùng một số nội dung liên quan, quan trọng khác.

Lệ Sương

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/kiem-tra-tinh-hinh-trien-khai-cong-tac-hoa-giai-o-co-so-tai-xa-nhan-co-226906.html