Kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19
(QTO) - Hôm nay 29/10/2021, Đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) do Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19. Tham gia buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam.
Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện 11/12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (riêng chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động tỉnh chưa thực hiện vì chưa có hồ sơ đề nghị hỗ trợ).
Tính đến ngày 27/10/2021, tỉnh đã phê duyệt 30.147 đối tượng thuộc 11 nhóm chính sách theo các quy định trên với tổng số tiền trên 8,63 tỉ đồng, trong đó đã chi trả cho 29.680 đối tượng với số tiền 6,978 tỉ đồng.
Cùng với việc thực hiện hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của trung ương, tỉnh Quảng Trị cũng chủ động, kịp thời triển khai các chính sách an sinh xã hội khác đối với người dân ảnh hưởng COVID-19 như cấp phát trên 741 tấn gạo cứu trợ cho 10.126 hộ gia đình (49.419 nhân khẩu) ở 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa. Huy động các nguồn lực hỗ trợ cho 15.000 người dân Quảng Trị đang lưu trú, lao động, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19 với số tiền 15 tỉ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức 3 đợt đưa 1.350 người dân từ vùng dịch về quê đảm bảo an toàn.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của trung ương tại tỉnh Quảng Trị có một số khó khăn như: Người lao động làm việc tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên phải ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo chính sách trên nên gặp nhiều khó khăn. Trong các khu cách ly tập trung, đối tượng F1, F0 được hỗ trợ tiền ăn, trẻ em dưới 16 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng, trong khi người đi từ vùng dịch về bị cách ly phải nộp tiền ăn (trong đó có trẻ em) thì không được hỗ trợ. Vì vậy, người dân có ý kiến thắc mắc cho rằng chính sách của trung ương chưa đảm bảo công bằng giữa một số đối tượng.
Tỉnh Quảng Trị kiến nghị ngoài đối tượng, điều kiện hỗ trợ quy định tại Điều 13 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, đề nghị bộ tham mưu bổ sung đối tượng là người lao động, viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên; người lao động làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.
Về chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế, ngoài đối tượng hỗ trợ quy định tại Điều 25 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, đề nghị bộ tham mưu bổ sung thêm đối tượng là trẻ em (người dưới 16 tuổi) và người phải cách ly y tế tại nhà hoặc tại khu cách ly tập trung theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có cơ sở hỗ trợ cho người từ vùng dịch trở về. Cần gia hạn thêm thời gian thực hiện hỗ trợ người lao động theo chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh, đối với thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 theo quy định của trung ương, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt, chủ động thực hiện từ rất sớm bằng việc ban hành kịp thời các văn bản thực hiện và có các cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành trong quá trình triển khai nên các chế độ chính sách đối với người lao động và người sử dụng lao động cũng như các vấn đề an sinh xã hội liên quan đến người dân ảnh hưởng COVID-19 đều kịp thời đến tận tay người dân.
Tuy nhiên, hiện tỉnh đang gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm trước mắt cho người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về vì nhu cầu việc làm hiện tại trên địa bàn không lớn nhưng lượng người về quê đông. Tuy nhiên, về lâu dài nguồn cung ứng nhân lực tương lai của tỉnh sẽ thiếu vì có nhiều dự án kinh tế trọng điểm đang chuẩn bị đầu tư. Vì vậy, tỉnh rất mong muốn Bộ LĐTB&XH quan tâm hỗ trợ tỉnh mảng giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề để giải quyết khó khăn cho hiện tại và đón đầu trong tương lai.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng đánh giá cao việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ rất sớm, kịp thời tại tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhắc nhở với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động tỉnh (chính sách số 3 theo quy định) Quảng Trị chưa thực hiện hỗ trợ vì chưa có hồ sơ đề nghị, ngành LĐTB&XH tỉnh cần rà soát, tổ chức lại hệ thống đào tạo nghề, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền thông tin để người lao động và người sử dụng lao động nắm bắt về chính sách hỗ trợ. Tỉnh cần có kế hoạch ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng lao động, nhất là lao động từ miền Nam trở về để người lao động có thể trở lại đơn vị cũ làm việc trong thời gian sớm nhất nhằm giải quyết khó khăn trước mắt về áp lực giải quyết việc làm tại địa phương.
Trước buổi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn kiểm tra Bộ LĐTB&XH đã nắm bắt tình hình thực tế về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 tại huyện Hải Lăng.