Kiên cường trong quân ngũ, mạnh mẽ giữa đời thường

Ở tuổi 68, cựu binh Nguyễn Kim Xưa, tổ dân phố Cọ 1, thị trấn Đu (Phú Lương) vẫn hăng say phát triển kinh tế gia đình. Ông tâm niệm, làm giàu cho mình là góp phần xây dựng quê hương ngày càng thêm giàu đẹp. Đi qua chiến tranh, trải bao thăng trầm, người cựu binh ấy chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn.

Ở tuổi 68, cựu binh Nguyễn Kim Xưa, tổ dân phố Cọ 1, thị trấn Đu (Phú Lương) vẫn hăng say phát triển kinh tế gia đình.

Ở tuổi 68, cựu binh Nguyễn Kim Xưa, tổ dân phố Cọ 1, thị trấn Đu (Phú Lương) vẫn hăng say phát triển kinh tế gia đình.

Từ chiến sĩ quân đội

Năm 1975, ở tuổi 18, chàng trai Nguyễn Kim Xưa nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Chỉ sau 1 tháng tòng quân, Sài Gòn được giải phóng, đất nước liền một dải, người lính trẻ lại được điều động về làm nhiệm vụ ở mảnh đất Quảng Ninh.

Cựu binh Nguyễn Kim Xưa nhớ lại: Thời điểm trong quân ngũ, tôi được tham gia vận chuyển lương thực, hàng hóa (bằng tàu thủy trên biển) phục vụ cho chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đất liền.

Kể lại cho chúng tôi những ngày tham gia quân ngũ, ông Kim lại bùi ngùi nhớ về chiếc tàu thủy và 6 thành viên luôn đoàn kết, chở che cho nhau cùng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngày đêm bám biển, coi tàu là nhà, ông cùng đồng đội đã đưa rất nhiều chuyến hàng tiếp tế cho đồng đội trên đất liền làm nhiệm vụ canh giữ quê hương.

Ông kể: Những chuyến tàu vượt bão đưa hàng vào đất liền gặp nhiều nguy hiểm. Tôi nhớ nhất lần bị nạn trong quá trình vận chuyển hàng hóa, tàu gặp cơn bão số 3 (năm 1976). Khi ấy, sóng to, gió lớn nhấn chìm cả tàu và hàng. Toàn bộ chiến sĩ trên tàu phải dồn hết sức lực kéo tàu vào cồn cát rồi tát nước từ trong các khoang ra. Thật may ngay sau đó, bão tan, nước trong tàu rút hết, anh em vẫn bảo toàn được quân số và quay trở lại hoạt động bình thường…

Trang trại của gia đình cựu binh Nguyễn Văn Xưa tự động hóa ở nhiều khâu trong chăn nuôi.

Trang trại của gia đình cựu binh Nguyễn Văn Xưa tự động hóa ở nhiều khâu trong chăn nuôi.

Cũng theo tâm sự của ông Xưa, chiến tranh nổ ra, việc đưa hàng hóa từ tàu lên bờ không dễ. Có những lần, đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm cập bến an toàn trước sóng biển nhưng vẫn phải bảo vệ để hàng tập kết vào bờ. Chỉ khi hàng hóa được đưa vào kho an toàn, ông và các đồng đội mới thở phào nhẹ nhõm…

Gắn bó với quân đội 7 năm, đến năm 1982, ông Xưa xuất ngũ trở về địa phương và kết duyên cùng người bạn thuở chăn trâu cắt cỏ đã chờ đợi ông suốt 7 năm trời - bà Nông Thị Sao. Từ đây cuộc sống mưu sinh bắt đầu với bao khó khăn, vất vả nhưng vẫn tràn đầy tiếng cười hạnh phúc.

Ông bảo: Đi qua những tháng ngày gian khổ, được tận mắt chứng kiến những trận chiến đấu kiên cường của đồng đội, tôi rất hiểu giá trị của 2 chữ “hòa bình” và không bao giờ lùi bước trước những khó khăn của “cơm, áo, gạo, tiền”.

Đến chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn

Trở về quê hương, ông được tín nhiệm bầu làm trưởng xóm, tiếp đến là Trưởng Ban Thanh tra của xã Phấn Mễ (nay là thị trấn Đu). Dù ở cương vị nào ông cũng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Với mong muốn xây dựng cuộc sống ấm no, năm 2003, người cựu binh ấy bắt đầu “dốc” hết vốn liếng, chuyển từ trồng chè sang đầu tư làm trang trại chăn nuôi gà lông trắng. Thời điểm này, gia đình ông gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức về chăn nuôi. Ông cho biết: Đầu tư chăn nuôi chưa đầy 1 năm, do chưa nắm bắt được khoa học kỹ thuật, chưa tiêm phòng cho đàn gà không kịp thời nên hơn 4.000 con đã chết do nhiễm cúm gia cầm H5N1, thiệt hại lên đến 70-80 triệu đồng, vợ chồng tôi gần như trắng tay.

Cựu chiến binh Nguyễn Kim Xưa từng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức về chăn nuôi.

Cựu chiến binh Nguyễn Kim Xưa từng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức về chăn nuôi.

Với nhiều người, sau thất bại nặng nề, mất gần như hết sạch vốn liếng sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng với ông Xưa thì khác. Ông tâm niệm, chiến tranh, gian khổ còn không lùi bước huống chi hôm nay, được sống trong thời bình, được tự chủ để làm ăn phát triển kinh tế gia đình thì nhất định phải nỗ lực để thành công.

Bởi suy nghĩ ấy nên dù khởi đầu đầy khó khăn nhưng ông Xưa không nản lòng. Ông bắt đầu đi học nghề chăn nuôi từ các trang trại đã có kinh nghiệm, tham gia các lớp đào tạo nghề, lớp tập huấn về chăn nuôi do ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức. Thậm chí, ông còn về tận Trung tâm Khuyến nông Quốc gia học hỏi và trau dồi kiến thức về chăn nuôi.

Vừa làm, vừa học hỏi, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc đàn gà nên công việc làm ăn của gia đình ngày càng phát triển. Giờ mỗi năm, ông chăn nuôi khoảng 4 vạn con gà, trừ chi phí cũng lãi được trên dưới 1 tỷ đồng. Trang trại của ông còn giải quyết việc làm cho 6 đến 7 lao động ở địa phương với mức thu nhập trên dưới 7 triệu đồng/người/tháng.

Để tận dụng chất thải từ chăn nuôi cũng như bảo vệ môi trường, ông đầu tư nuôi thêm ao cá, chăn nuôi khoảng 30 đến 40 con lợn/năm. Số gà chết do nóng, ngạt… được ông dùng để chế biến thành cám cho cá và lợn ăn. Với cách làm này, mỗi năm ông có nguồn thu không hề nhỏ từ 7 đến 8 tấn cá và vài tấn thịt lợn hơi.

Vợ chồng ông Xưa sống hạnh phúc bên nhau khi tuổi xế chiều.

Vợ chồng ông Xưa sống hạnh phúc bên nhau khi tuổi xế chiều.

Với tư duy nhạy bén, từ năm 2020, ông bắt đầu ứng dựng khoa học công nghệ vào chăn nuôi. Ông bảo: Tôi đã ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuồng trại, sử dụng hệ thống chuồng kín (chuồng lạnh), hệ thống silo chứa thức ăn và kết nối đến các máng ăn tự động. Nhờ đó đã kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện tốt an toàn sinh học, nâng cao tỷ lệ nuôi sống và tăng trọng. Tự động hóa các khâu trong chăn nuôi giúp trang trại của tôi giảm bớt nhân công lao động và đảm bảo an toàn sinh học trong sản xuất.

Không chỉ tự động hóa trong chăn nuôi, ông còn luôn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường khi sử dụng thêm men vi sinh cho gà ăn để hoạt động chăn nuôi không có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng không khí xung quanh. Đặc biệt, ông áp dụng nghiêm ngặt quy trình VietGAP trong chăn nuôi để tạo ra sản phẩm an toàn (năm 2023, trang trại được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP) nên đầu ra khá thuận lợi.

Trải qua bao thăng trầm, hơn 20 năm gắn bó với chăn nuôi, ông Xưa và vợ đã gây dựng được cơ ngơi khang trang, cuộc sống sung túc. Năm 2024, cơn bão số 3 (hồi tháng 9), nước dâng cao, 2 khu chuồng trại của gia đình ngập sâu trong nước, gà chết hàng loạt, thiệt hại 700 đến 800 triệu đồng. Dù vậy, ông vẫn kiên trì bám trụ, vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất chăn nuôi.

Đã cận kề ngưỡng tuổi “thất thập”, nhiệt huyết trong ông vẫn bùng cháy và luôn hướng đến những điều tốt đẹp mai sau khi ông đang đầu tư máy móc, thiết bị để tự động hóa toàn bộ quy trình chăn nuôi và truyền nghề cho lớp trẻ.

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202504/kien-cuong-trong-quan-ngu-manh-me-giua-doi-thuong-f1b2898/