Kiên định đường lối đổi mới
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội. Hiếm có chính sách đổi mới nào nhận được sự đồng thuận 100% nhưng khi chúng ta đã xác định được thì phải kiên trì, kiên định.
Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tương lai của mọi người, mọi gia đình và của dân tộc, đất nước, đều phụ thuộc vào sự nghiệp trồng người, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khoa học công nghệ phát triển và vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.
"Giáo dục có nhiều đặc điểm, đầu tiên phải kể đến liên quan đến mọi người, mọi nhà. Mọi sự đổi mới đều có ý kiến đóng góp, tranh luận, nhiều khi còn trái ngược nhau nhưng tất cả đều có lý.
Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội. Hiếm có chính sách đổi mới nào nhận được sự đồng thuận 100%. Nhưng khi chúng ta đã xác định được thì phải kiên trì, kiên định" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Không giống như các lĩnh vực khác, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đổi mới giáo dục không phải là việc của một năm mà cần có lộ trình thời gian. Đơn cử như các lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, có thời kỳ mất 11 năm; lần nay chúng ta làm cuốn chiếu cũng phải mất 6 năm.
Hay như Kỳ thi THPT quốc gia, lộ trình đổi mới từ 2015-2020 mới xong một bước. Trong quá trình thực hiện không bao giờ là hoàn mĩ nhưng chúng ta phải kiên định. Không thể vì một vài hiện tượng mà khái quát lên thành bản chất...
Cũng theo Phó Thủ tướng, một mặt chúng ta phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc, nhưng cái gì đã là xu thế của thời đại thì nhất thiết chúng ta phải thích nghi. Cụ thể: Đối với giáo dục phổ thông, có 3 nguyên lý:
Thứ nhất, đã là giáo dục phổ thông thì chúng ta phải đảm bảo đủ trường, lớp, thầy cô giáo để học sinh học ngày 2 buổi, gần nhà. Không phân biệt đầu vào.
Thứ hai, Nhà nước lo chung, trong đó trường công tập trung lo ở mức trung bình trở xuống, lo cho người yếu thế, đảm bảo nhân tài cho đất nước; còn phân khúc chất lượng cao thì Nhà nước không thể bao cấp hết mãi được. Chúng ta không thể cào bằng...
Thứ ba, trường học phổ thông không chỉ là thiết chế đơn thuần của chính quyền mà là thiết chế của cộng đồng.
Đối với giáo dục đại học cũng có nhiều nguyên lý, trong đó phải kể đến 2 nguyên lý căn bản:
Một là phải tự chủ, bắt nguồn từ tự chủ chuyên môn; từ đó là tự chủ về nhân sự, tài chính.
Tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước cấp ngân sách, kể cả về đầu tư; mà chuyển từ ngân sách cào bằng sang đầu tư cho các trường có hiệu quả, đầu tư theo đặt hàng, giao nhiệm vụ...
Hai là, đã là đại học thì phải nghiên cứu khoa học. Trường Đại học không chỉ là nơi phổ biến tri thức mà còn là nơi sáng tạo ra tri thức. Các trường không thể lấy học phí ra để lo cho nghiên cứu khoa học.
Kiên trì và nỗ lực
Khẳng định, kể từ khi thực hiện Nghị quyết 29, Giáo dục đã đạt được những kết quả rất tốt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam viện dẫn: Một là chúng ta đã phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; hai là chúng ta thực hiện thành công bước đầu về tự chủ đại học. Chúng ta có 2 đại học nằm trong top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới...
"Chúng ta phải nhìn nhận đúng và đã tin tưởng Nghị quyết là đúng thì lộ trình phải kiên trì, nỗ lực phải liên tục và cần có sự chung tay của toàn xã hội" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng đề nghị ngay trong năm học này, ngành Giáo dục cần quan tâm đến một số vấn đề:
Thứ nhất là tiếp tục quan tâm hơn nữa đến dạy người. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho HSSV. Chúng ta bám sát vào 3 khẩu hiệu: Tiên học lễ, hậu học văn; thi đua dạy tốt - học tốt; tất cả vì học sinh thân yêu và bám sát vào 5 điều Bác Hồ dạy. 5 điều ấy không chỉ cho thiếu niên, nhi đồng mà thanh niên cũng vận dụng để học tập, làm theo.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, giảm áp lực hành chính cho giáo viên, xem lại các tiêu chuẩn và Chuẩn quốc gia.
Thứ ba, sinh hoạt Đoàn Đội, giáo dục đạo đức phải đổi mới. Đặc biệt không nên coi dạy đạo đức là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên dạy đạo đức, giáo dục công dân - mà là trách nhiệm của tất cả giáo viên trong nhà trường. Bằng sự gương mẫu của mình, giờ học nào giáo viên cũng có thể nói chuyện đạo đức.
Giáo dục đạo đức cho học sinh không cần bằng những thứ cao siêu mà bằng những thứ gần gũi, thân thiết. Giáo dục thông qua nêu người tốt việc ở trong địa bàn dân cư, trong trường, lớp...
Tới đây, sẽ phát động những bài giảng mẫu về đạo đức, trên tinh thần gắn với người tốt việc tốt. Kêu gọi học sinh và toàn xã hội làm những clip ngắn về gương người tốt việc tốt, về văn hóa ứng xử. Đấy là cách giáo dục đạo đức tốt
Ngoài ra, tăng cường nhà trường, gia đình, xã hội tham gia vào giáo dục đạo đức lối sống. Huy động toàn xã hội vào câu chuyện giáo dục đạo đức lối sống, tránh tình trạng “khoán gọn” cho nhà trường.
Ngoài ra, cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến hệ thống sư phạm và giáo viên; trong đó có vấn đề tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Đối với vấn đề đào tạo giáo viên, Phó Thủ tướng cho biết: Chúng ta đã nắm được nhu cầu giáo viên của các địa phương. Tới đây, địa phương có trách nhiệm đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên và các trường tốt sẽ được đặt hàng.
Đồng thời quan tâm đến bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Các trường sư phạm địa phương sẽ làm việc này dưới sự hướng dẫn của các trường sư phạm trọng điểm.
Bên cạnh đó, mở các trường phổ thông nhiều cấp để hình thành mạng lưới cơ sở thực hành đều khắp cho các trường sư phạm. Bằng cách này, chúng ta sẽ cơ cấu lại hệ thống các trường sư phạm.
Đối với đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần chuyển đại học sang cơ chế tự chủ. Chúng ta mới chỉ giải quyết được câu chuyện trường với bộ chủ quản; giảm dần sự can thiệp của bộ chủ quản vào các trường. Cần đẩy mạnh quyền tự chủ từ nhà trường xuống đến từng bộ môn, từng giảng viên và giáo sư.