Kiên định mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên năm 2025
Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 tăng 6,93%, cao hơn 1,27 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: IT
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên
Tại Nghị quyết số 192/2025/QH15 của Quốc hội về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã chỉ rõ mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.
Theo tinh thần Nghị quyết 192/2025/QH15, Quốc hội đã điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu bao gồm:
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ đô la Mỹ (USD).
- GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Theo báo cáo mới nhất về tình hình phát triển kinh tế, quý I/2025 so với cùng kỳ nước ta đang đạt mức kim ngạch xuất là 102,8 tỷ USD, tăng 10,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 99,7 tỷ USD, tăng 17%; xuất siêu 3,16 tỷ USD, chỉ bằng 40,5% mức xuất siêu của quý I/2024.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,70%, đóng góp 53,74%.
Tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm 2025 vẫn giữ được gam màu sáng đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 15%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9% của khu vực FDI; tuy vậy tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chỉ chiếm 28,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Xuất khẩu hàng hóa vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI.
Bên cạnh những điểm tích cực, trong quý I/2025 kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước, do xuất khẩu mặt hàng này phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc và phụ thuộc quá nhiều vào mặt hàng sầu riêng. Ngành rau quả chưa khai thác được lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do.
Thương mại dịch vụ quốc tế quý I/2025 có nét khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước với tốc độ tăng xuất khẩu dịch vụ đạt 21,7%, cao hơn 3,1 điểm phần trăm so với tốc độ tăng nhập khẩu dịch vụ. Xuất khẩu dịch vụ đạt gần 7,6 tỷ USD; trong đó, dịch vụ du lịch đạt 4,2 tỷ USD, tăng 29,2%; dịch vụ vận tải đạt 2,0 tỷ USD, tăng 24,2%.
Nhập khẩu dịch vụ đạt 9,2 tỷ USD; trong đó, nhập khẩu dịch vụ vận tải đạt hơn 3,7 tỷ USD, tăng 17,5%; nhập khẩu dịch vụ du lịch đạt 3,4 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại dịch vụ quốc tế thâm hụt 1,6 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Quý I/2025, vốn đầu tư công thực hiện ước đạt 116,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,5% kế hoạch năm, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế đến hết quý I/2025 vẫn còn một lượng vốn đáng kể chưa được phân bổ chi tiết. Theo Bộ Tài chính, vốn giải ngân đến 31/3 đạt 78.712 tỷ đồng, tương đương 9,53% kế hoạch, thấp hơn so với số cùng kỳ 12,27% của năm 2024.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 666,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn khu vực Nhà nước chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư, tăng 13,7%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 54,2%, tăng 5,5%; khu vực FDI chiếm 18,1%, tăng 9,3%.
Trong quý I/2025 so với cùng kỳ năm trước, vốn FDI đăng ký đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7%; Vốn FDI giải ngân đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2%. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua, phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn FDI của nền kinh tế.
Điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong quý I/2025 là số dự án mới đăng ký rất cao, với 850 dự án được cấp phép, tăng 11,5%; tuy vậy, số vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, giảm 31,5%. Vốn đăng ký bình quân một dự án FDI chỉ với 5 triệu USD cho thấy có nhiều dự án FDI có quy mô nhỏ, Chính phủ và các địa phương cần rà soát, sàng lọc kỹ các dự án FDI để loại trừ các nhà đầu tư đến Việt Nam để núp bóng, trốn tránh cuộc chiến thương mại.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 tăng 6,93%, cao hơn 1,27 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%%; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%; khu vực dịch vụ tăng 7,7%.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát năm 2025
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khó lường, chủ nghĩa bảo hộ và cuộc chiến thương mại diễn ra gay gắt, tác động xấu tới động lực tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của nền kinh tế nước ta.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên năm 2025 là không thay đổi". Chính phủ và các địa phương, cùng với cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục thực thi các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để giữ nhịp tăng trưởng.
Một là, đổi mới tư duy, đột phá trong cải cách thể chế, kiến tạo, vận hành nhà nước quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp. Rà soát loại bỏ tất cả những các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Chính phủ cần khẩn trương, đi trước trong cải cách thể chế, rà soát sửa đổi, minh bạch môi trường pháp lý. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo niềm tin, động lực và sự năng động để phát triển kinh tế tư nhân.
Hai là, tập trung giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công của năm 2025. Vốn đầu tư công thực hiện sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam năm 2025, bởi động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng cuối cùng đang phục hồi chậm và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tổng vốn đầu tư công năm 2025 là 825,9 nghìn tỷ đồng, nếu giải ngân được 95% thì đạt 784,6 nghìn tỷ, khi đó GDP tăng thêm 1,07 điểm phần trăm. Nếu giải ngân hết 100% tổng số vốn, GDP tăng thêm 1,4 điểm phần trăm.
Ba là, Tiêu dùng cuối cùng là động lực tăng trưởng có quy mô lớn nhất, tác động mạnh nhất, quan trọng nhất trong các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng lên đồng nghĩa với tháo gỡ khó khăn về tìm kiếm thị trường cho khu vực doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm bớt sự phụ thuộc vào tổng cầu thế giới.
Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; nâng mức thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh.
Tiếp tục giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn; giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài; tăng cường các đợt khuyến mại với mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Để chính sách giảm 2% VAT có hiệu quả, Chính phủ cần kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; Điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, tránh lạm phát kỳ vọng; Kiểm soát tăng giá trong các mùa cao điểm của một số ngành; Nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ trong nước với mức giá cạnh tranh để thúc đẩy người dân tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ Việt; Tăng cường thực hiện các đợt khuyến mại để thúc đẩy sức mua của người dân.
Cùng với đó, Chính phủ cần thực hiện chính sách an sinh xã hội trợ cấp cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động.
Niềm tin của người tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn, đảm bảo hiệu quả của các giải pháp kích cầu tiêu dùng, vì vậy cùng với chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, chính sách về lãi suất ngân hàng, thị trường bất động sản, giá vàng, giá ngoại tệ ổn định..., sẽ tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy chi tiêu, xử lý được bài toán nhu cầu thị trường trong nước thấp đối với doanh nghiệp.
Bốn là, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các FTA để gia tăng xuất khẩu thay thế lượng suy giảm đối với thị trường Mỹ.
Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó khác nhau và tìm kiếm giải pháp để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và đàm phán.
Cùng với đó, Chính phủ cần có chiến lược chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu; tập trung phát triển xuất khẩu dịch vụ nhằm xử lý thực trạng nền kinh tế luôn nhập siêu dịch vụ, đặc biệt thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ mấy năm gần đây luôn ở mức cao. Việc giảm nhập siêu dịch vụ là vấn đề cần quan tâm thích đáng, đặc biệt trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng cao của nền kinh tế, bởi theo tính toán, nếu giảm được 10% nhập siêu dịch vụ sẽ giúp GDP tăng thêm 0,36%.
Năm là, cơ cấu lại nền kinh tế, kiến tạo mô hình kinh tế mới ưu việt, như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế thế giới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực mới cho phát triển.
Cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện dựa trên đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng và xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, đặt trong xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu, từ đó có chính sách và giải pháp tập trung nguồn nhân lực, vật lực và tài lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế.
Với tinh thần chủ động, linh hoạt, bảo vệ lợi ích quốc gia của Đảng và Nhà nước; với bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài; với sự đồng lòng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp; với chiến lược ngoại giao tinh tế và hiệu quả, chúng ta tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ hóa giải thành công những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội mới, giữ vững nhịp tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo.