Kiên định với chiến lược phát triển bền vững, doanh nghiệp chắc chắn bứt phá

Kinh doanh bền vững sẽ giúp doanh nghiệp gặt hái được kết quả kinh doanh tốt bất chấp đại dịch và có sự phục hồi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đó, doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững...

Doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững.

Doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững.

Phát biểu tại Lễ phát động Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) 2023 ngày 31/5, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết khảo sát do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện gần đây cho thấy bức tranh kinh tế hiện nay đang có nhiều gam màu tối.

KINH DOANH BỀN VỮNG, BẤT CHẤP ĐẠI DỊCH

Trên 82% doanh nghiệp cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại năm nay. Doanh nghiệp cũng thể hiện niềm tin thấp khi hơn 81% đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế trong các tháng còn lại năm nay.

“Có thể nói những con số này cũng tương đồng với những dự báo đã được đưa ra trước đó về một giai đoạn “hậu Covid” – đó mới là lúc doanh nghiệp thực sự “ngấm đòn” khi nguồn lực dự trữ đã cạn kiệt vì phải ứng phó với đại dịch”, ông Vinh nhận định.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại sự kiện ngày 31/5.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại sự kiện ngày 31/5.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn còn có nhiều doanh nghiệp không bị nao núng trước “giông bão”, như PNJ, Vinamilk, Traphaco, Bảo Việt, PAN Group, SASCO…

Những doanh nghiệp này vẫn gặt hái được kết quả kinh doanh tốt bất chấp đại dịch và cũng có sự phục hồi nhanh hơn so với các doanh nghiệp khác. Đây chính là những doanh nghiệp đã bền bỉ theo đuổi và thực hiện chiến lược kinh doanh bền vững trước giai đoạn đại dịch xảy ra.

Là doanh nghiệp đã áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) trong quản trị doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), cho biết bên cạnh việc duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế, PVPower còn không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế, công khai minh bạch trong điều hành và công bố thông tin.

Kết quả khảo sát mới đây của PwC về “Thói quen tiêu dùng” cũng chỉ rõ, người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm nhiều hơn về môi trường. Hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy.

Trước đó, báo cáo của Nielsen năm 2020 cũng chỉ ra rằng 80% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho sản phẩm cam kết “xanh” và “sạch” hay được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường. Về phía các nhà đầu tư quốc tế, họ cũng muốn ưu tiên dòng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp, các dự án có định hướng bền vững.

BỨT PHÁ KHỎI “BẪY TƯ DUY” PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐỂ LÀM GÌ?

Ông Vinh cho rằng nếu vài năm trước đây, doanh nghiệp còn mơ hồ, nghĩ về phát triển bền vững như một câu chuyện xa xôi, chỉ dành cho “các ông lớn”, thì giờ đây câu chuyện đó đã trở nên sát sườn.

Thực tế hơn, trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp lại một lần nữa đối mặt với câu hỏi “phát triển bền vững để làm gì?”. Ở một góc độ khác, doanh nghiệp đặt câu hỏi: “Phát triển bền vững để làm gì nếu chúng tôi không vượt qua được khó khăn ngay lúc này?”.

Phó Chủ tịch VCCI cho rằng đây rõ ràng là một câu hỏi hết sức thực tế, buộc những người làm phát triển bền vững phải nhìn nhận lại, trăn trở hơn về cách thức làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là hơn 90% là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, bứt phá khỏi “bẫy tư duy” này.

Bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời, đồng bộ của Chính phủ bằng những chính sách “tiếp sức” kịp thời, tháo gỡ những nút thắt, khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt thì doanh nghiệp cần một tư duy đúng về phát triển bền vững.

Ban tổ chức giới thiệu về Bộ chỉ số CSI 2023.

Ban tổ chức giới thiệu về Bộ chỉ số CSI 2023.

Đặc biệt, khi nhìn vào xu hướng tiêu dùng và đầu tư tập trung vào tính bền vững hiện nay, doanh nghiệp sẽ thấy phát triển bền vững không phải là chi phí, là gánh nặng, mà chính là đầu tư và cơ hội cho doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp cần thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh” đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.

“Cũng giống như người ngư dân luôn thu được mẻ cá lớn sau cơn bão, thì doanh nghiệp khi kiên định với chiến lược phát triển bền vững, chắc chắn sẽ vươn mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau những thách thức trước mắt”, ông Vinh nói.

Đặc biệt, lãnh đạo VCCI nhấn mạnh, phát triển bền vững không còn là mục tiêu tham vọng mà là hành động thiết yếu, giúp xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp thịnh vượng, không chỉ mang lại những lợi ích về tài chính mà còn kiến tạo giá trị cho người lao động, nhà đầu tư, các bên liên quan và môi trường trong dài hạn.

“Việc thực hiện phát triển bền vững không khó và xa vời cho doanh nghiệp, mà ngược lại, chỉ cần đảm bảo việc tuân thủ các yêu cầu pháp luật, doanh nghiệp đã có một nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tại lễ phát động, Ban tổ chức Chương trình đã giới thiệu chi tiết về những điểm mới của Bộ chỉ số CSI 2023. Năm nay, Bộ chỉ số CSI tiếp tục được sử dụng làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.

CSI 2023 được chia làm 7 phần, thay vì 3 phần tại phiên bản cũ và bao gồm 130 chỉ số với 63% là các chỉ số tuân thủ, 37% là các chỉ số nâng cao. Mỗi chỉ số được sử dụng để khai báo 1 nội dung cụ thể, giúp doanh nghiệp liệt kê và cung cấp thông tin dễ dàng hơn.

Bộ Chỉ số CSI 2023 có tích hợp các chỉ số định lượng phục vụ mục đích đánh giá quá trình thực hiện phát triển bền vững của doanh nghiệp qua giai đoạn 03 năm từ 2020 đến 2022 trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Bộ Chỉ số cũng tích hợp sâu Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, nhấn mạnh vào 03 yếu tố: kiểm đếm phát thải cacbon, hoạt động thích ứng & giảm thiểu biến đổi khí hậu, thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, CSI 2023 tiếp tục tập trung vào các chỉ số lao động-xã hội trọng điểm được quan tâm như các cam kết về đa dạng, bình đẳng trong doanh nghiệp như bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, tôn trọng quyền trẻ em, quyền con người, chế độ làm việc linh hoạt…

Năm 2023, Chương trình sẽ tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp ở mọi quy mô và lĩnh vực thông qua hình thức nộp hồ sơ trực tuyến và không thu bất kỳ khoản phí nào từ doanh nghiệp.

Ngoài việc đánh giá và công bố 100 doanh nghiệp bền vững, Chương trình CSI 2023 cũng xây dựng những hạng mục giải để biểu dương những doanh nghiệp có thành tích tốt trong “thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu và nâng cao quyền năng phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc”.

Tiếp sau Lễ phát động, Ban tổ chức Chương trình sẽ tổ chức các khóa tập huấn trực tiếp/trực tuyến về Quản trị doanh nghiệp nói chung và cách thức tổ chức triển khai áp dụng Bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp nói riêng từ tháng 6 – tháng 8/2023.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kien-dinh-voi-chien-luoc-phat-trien-ben-vung-doanh-nghiep-chac-chan-but-pha.htm