Kiến giải thu hút đầu tư nguồn lực đầu tư cho GD đại học
Giáo dục đại học (GDĐH) có nhiều vấn đề cần quan tâm.
Bên cạnh đầu tư của Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp thu hút cho lĩnh vực này; trong đó có tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý…
GS.TSKH Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Văn phòng Chính phủ: Xã hội hóa giáo dục đúng nghĩa
Tại tọa đàm “Giáo dục đại học: Thách thức và cơ hội”, GS.TSKH Đặng Ứng Vận chia sẻ: Tôi nhớ con số 20% ngân sách dành cho giáo dục. Trước đây, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã phấn đấu và cố gắng đạt đến 18%. Tuy nhiên, nếu Nhà nước tăng thêm ngân sách cho giáo dục thì cũng không được sử dụng cho GDĐH, bởi còn nhiều vấn đề cần ưu tiên như: Giáo dục phổ cập, giáo dục vùng sâu, xa...
Chúng ta cần cải tiến cơ chế, nên chuyển cấp phát theo đơn, danh mục cấp trọn gói sẽ tạo điều kiện để các trường công được tự chủ hơn. Nếu chia theo từng bộ phận sẽ hạn chế cho các hoạt động về mặt tài chính của trường.
Điều quan trọng nhất là cơ chế để mỗi trường có thể huy động được nguồn lực từ xã hội. Phải huy động nguồn lực của các doanh nghiệp công, tư vào đào tạo. Nói cách khác, đó là sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp để đào tạo ra nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp theo hướng phi lợi nhuận.
Tôi muốn nhắc đến một số bất cập trong hành lang pháp lý. Chúng ta có luật chuyên ngành nhưng các hoạt động trong lĩnh vực GDĐH còn bị chi phối bởi các luật khác như: Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tới đây là Luật Đất đai (sửa đổi) và nhiều quy định khác. Trong quá trình xây dựng, sửa đổi hệ thống luật pháp, cần bảo đảm tính đồng bộ. Chúng tôi kỳ vọng, khi lấy ý kiến góp ý cho luật liên quan thì Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ và xác định đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề của GDĐH.
Trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, kỳ vọng lớn, mong muốn nhiều nhưng nguồn lực còn hạn chế. Có những quy định không khả thi khi tính đến bài toán nguồn lực. Do vậy, khi sửa đổi phải tính đến lộ trình, nguồn lực để quy định có thể thực hiện được ngay, gỡ vướng cho các trường đại học khi tự chủ. Muốn vậy, chúng ta cần giải pháp để nghiên cứu chính sách hiệu quả hơn.
Theo tôi, không có quốc gia nào có thể bao cấp hết cho GDĐH. GDĐH gắn với việc làm, doanh nghiệp và đầu tư cho doanh nghiệp. Vì vậy, nên đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đúng nghĩa, tức là huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục, gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực. Đặc biệt, nên có cơ chế để doanh nghiệp có thể đầu tư vào các trường công lập.
Ông Vương Quốc Thắng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Thúc đẩy đa dạng nguồn thu
Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội “Về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đặt mục tiêu phát triển giáo dục Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống GDĐH tốt nhất châu Á. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Luật số 34) với chính sách tự chủ đại học là khâu đột phá trong phát triển.
Nhờ đó, hệ thống GDĐH có nhiều thay đổi từ mô hình, cơ cấu tổ chức… cho đến hoạt động của cơ sở GDĐH dần được xây dựng, định hướng theo các chuẩn mực quốc tế, phát huy tối đa năng lực tự chủ cùng với trách nhiệm giải trình.
Tuy nhiên, thành quả về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của GDĐH chưa tương xứng tiềm năng hiện có (đội ngũ nghiên cứu chiếm tới hơn 50% tổng nhân lực nghiên cứu ở Việt Nam). Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó có thể nêu một số yếu tố sau:
Thứ nhất, Luật Khoa học và Công nghệ quy định, Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách hằng năm. Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2023 cho thấy, chi sự nghiệp cho khoa học, công nghệ hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm 0,58% tổng chi ngân sách. Trong đó, việc phân bổ ngân sách vẫn còn dàn trải, chưa vận hành tốt cơ chế đặt hàng, đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ. Mức trung bình trên cán bộ còn thấp và chưa tương xứng.
Thứ hai, còn nhiều vướng mắc trong cơ chế quản lý về đề tài, dự án sử dụng nguồn ngân sách. Đặc biệt, còn thiếu cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và thiếu cơ chế giao cho đơn vị chủ trì sở hữu, định giá sản phẩm hình thành từ các nhiệm vụ khoa học.
Thứ ba, các cơ sở GDĐH tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, kinh phí nghiên cứu từ nguồn ngân sách chỉ được cấp thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu đơn lẻ. Nguồn kinh phí tự có và kinh phí từ hoạt động hợp tác rất ít; trong khi đó, còn thiếu cơ chế để huy động nguồn kinh phí từ doanh nghiệp và xã hội. Các cơ sở GDĐH chưa chú trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Một phần phải tập trung duy trì hoạt động, tăng trưởng ngắn hạn thay vì thực hiện cam kết dài hạn về đào tạo trình độ cao và sản phẩm tri thức chất lượng.
Thứ tư, với cơ sở GDĐH, chức năng nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều cơ sở GDĐH chưa lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm động lực cho phát triển và làm nền tảng cho nguồn thu bền vững; thiếu công cụ đánh giá về hiệu quả thực hiện hoạt động khoa học, công nghệ của đội ngũ giảng viên.
Thứ năm, chưa có cơ chế đột phá để các cơ sở GDĐH thu hút và sử dụng nhân tài là nhà khoa học trẻ xuất sắc và nhà khoa học lớn. Một mặt, hệ thống thang, bảng lương và nguồn thu hợp pháp hạn hẹp, không cho phép cơ sở GDĐH công lập xây dựng vị trí việc làm với mức thu nhập vượt trội và chế độ ưu đãi đặc biệt. Mặt khác, nhân tài được thu hút vào cơ sở GDĐH công lập phải tuân thủ Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức nên bị gò bó về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, thiếu tính chủ động và sáng tạo của đội ngũ này.
Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo trình độ cao trong trường đại học, tôi cho rằng, đầu tư nguồn ngân sách cho khoa học, công nghệ dựa trên quan điểm: Đầu tư để phát triển nguồn lực, bao gồm con người và sản phẩm sáng tạo. Quan điểm này là cơ sở để chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, khuyến khích các nghiên cứu đạt tới ngưỡng mang lại giá trị cao trong khoa học, có giá trị trong ứng dụng và phục vụ cho phát triển đất nước; đồng thời có cơ chế nuôi dưỡng và tạo ra đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành có tầm ảnh hưởng lớn.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đa dạng nguồn thu cho cơ sở GDĐH. Thay vì phụ thuộc vào học phí như hiện nay, cần tăng cường các nguồn thu chủ động, huy động từ nguồn lực xã hội, doanh nghiệp và hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao thông qua cơ chế hợp tác công - tư trong xây dựng các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hỗn hợp.
Cùng đó, kết hợp giữa nguồn lực từ doanh nghiệp và nguồn lực hợp pháp của cơ sở GDĐH; có cơ chế thu hút nguồn hiến tặng của tổ chức, cá nhân cho hoạt động, nghiên cứu và phát triển cơ sở GDĐH.
GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Xây dựng và thực thi các chính sách phát triển
Từ những mục tiêu phát triển đất nước đến 2030, tầm nhìn 2045 và vai trò của yếu tố chất lượng nguồn nhân lực có liên quan trực tiếp đến phát triển GDĐH, tôi cho rằng, việc tiếp tục quan tâm đúng mức cũng như xây dựng, thực thi các chính sách phát triển chất lượng GDĐH là cần thiết nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng các mục tiêu phát triển đất nước.
Tôi kiến nghị một số một số chính sách phát triển GDĐH nhằm thực hiện nhóm giải pháp thứ 5 trong Nghị quyết số 29-NQ/TW; đồng thời tiếp tục cụ thể hóa Điều 12 của Luật GDĐH vào thực tiễn:
Thứ nhất, cần tiếp tục cải cách thể chế, chính sách cho phát triển GDĐH, trong đó thống nhất quan điểm đề cao quyền tự chủ trong điều hành công việc, nghiên cứu, học thuật... và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH trước người học, xã hội và Chính phủ về mọi hoạt động của mình.
Thứ hai, xây dựng chính sách đầu tư nguồn lực tài chính cho GDĐH theo mô hình “chia sẻ chi phí” giữa các bên. Chi phí đơn vị sẽ được chia sẻ, bao gồm: Ngân sách Nhà nước; học phí từ người học và đóng góp của cộng đồng. Cải cách tài chính cho hệ thống các cơ sở GDĐH Việt Nam cần tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên: Tăng đầu tư toàn xã hội vào hệ thống đại học, bao gồm cả tài trợ từ ngân sách lẫn đóng góp của xã hội; Tự chủ tài chính cho các trường đại học; thay đổi cách phân bổ ngân sách cho từng trường và chia thành ba kênh: Hỗ trợ trực tiếp cho từng trường; học bổng và tín dụng sinh viên; tài trợ nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDĐH bao gồm: Thực hiện giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên để đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo chất lượng cao, tạo bước đột phá về chất lượng trong trường đại học; trao đổi sinh viên giữa các quốc gia và đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo, học thuật giữa cơ sở GDĐH trong nước với quốc tế.
Thứ tư, tăng cường liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp để tạo cơ chế gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với sản xuất và dịch vụ trong trường đại học. Các trường đại học cần có chính sách thiết thực gắn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa sản phẩm được thị trường đón nhận. Đổi mới và xây dựng mô hình khởi nghiệp, sáng tạo, thành lập doanh nghiệp, viện nghiên cứu trong trường đại học.
Thứ năm, tiếp tục phát triển hệ thống tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH độc lập nhằm hình thành văn hóa kiểm định chất lượng giúp cơ sở GDĐH thường xuyên thay đổi, điều chỉnh phù hợp để đáp ứng yêu cầu về chất lượng.
Thứ sáu, sớm hoàn thiện và triển khai quy hoạch mạng lưới trường đại học đến 2030, tầm nhìn 2050 trên phạm vi cả nước nhằm huy động nguồn lực về tài chính, nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, đất đai cũng như xác định cơ sở GDĐH, ngành đào tạo trọng điểm… hướng đến làm chủ ngành công nghệ cao, lõi, nguồn, nghiên cứu cơ bản... để ưu tiên đầu tư, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
Cần coi đào tạo sau đại học là sản phẩm đầu ra bắt buộc và được trả chi phí hợp lý đối với nhiệm vụ nghiên cứu, sử dụng ngân sách Nhà nước hay nguồn tài chính hợp pháp của cơ sở GDĐH. Ngoài ra, Luật Nhà giáo cần sớm trình Quốc hội ban hành nhằm tháo nút thắt về thu hút nhân tài và phát triển đội ngũ người lao động trong các cơ sở GDĐH. - Ông Vương Quốc Thắng