Kiên Giang: Bước chuyển mình khi bệnh nhân HIV điều trị trong ngày
Nhờ có sự hỗ trợ của Dự án EPIC, công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV trong ngày tăng mạnh, có trên 50% bệnh nhân điều trị trong ngày với tỷ lệ thành công trên 90%.
Hằng năm, tỉnh Kiên Giang có bố trí nguồn kinh phí địa phương cho công tác phòng chống HIV/AIDS, nhưng những khó khăn trong công tác giải ngân khiến nguồn kinh phí địa phương hầu như không chi được.
Những năm qua, sự đầu tư từ các dự án từ tổ chức quốc tế như Dự án Quỹ Toàn Cầu và đặc biệt gần đây nhất là Dự án "Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS" (Dự án EPIC) được triển khai tại Kiên Giang đã mang lại nhiều hiệu quả cao khi tỷ lệ bệnh nhân phát hiện HIV được điều trị ngay trong ngày tăng mạnh.
Bác sỹ Võ Thị Lợt - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Kiên Giang cho biết như vậy khi đoàn công tác của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc tại CDC tỉnh Kiên Giang về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
Điều trị trong ngày: Tỷ lệ thành công trên 90%
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, địa phương này phát hiện số người nhiễm HIV đứng thứ 4 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 16 trong cả nước. Hàng năm Kiên Giang phát hiện thêm 350-400 ca nhiễm (năm 2022 phát hiện 469 ca).
Bác sỹ Giang Văn Tiên - Khoa HIV/AIDS, CDC tỉnh Kiên Giang cho hay việc triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh HIV trong khuôn khổ Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam (Dự án EPIC) đã mang lại hiệu quả lớn cho công tác phòng chống dịch của tỉnh. Dự án triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng và giám sát ca bệnh, tăng cường tìm ca bệnh HIV, chú trọng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Tại tỉnh Kiên Giang, Dự án EPIC đang được triển khai tại ba huyện/thành phố gồm: Rạch Giá, Phú Quốc, Châu Thành. Đáng lưu ý, nhờ có sự hỗ trợ của Dự án EPIC các phòng xét nghiệm khẳng định HIV được thành lập tại các nơi triển khai dự án giúp cho công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân trong ngày tăng mạnh, có trên 50% bệnh nhân điều trị trong ngày với tỷ lệ thành công trên 90%.
Theo bác sỹ Lợt, Phú Quốc là huyện mới được triển khai dự án EPIC từ đầu năm nay, là địa phương được đánh giá khá phức tạp về nguy cơ HIV do hầu hết người nhiễm trong nhóm MSM là từ nơi khác đến, nhân viên y tế khó tiếp cận.
Tại Phú Quốc, trong 6 tháng đầu năm phát hiện 31 ca mắc mới HIV trong tổng số 300 ca của toàn tỉnh. Từ tháng 1/2023, nhờ có phòng xét nghiệm khẳng định trong ngày, đã có 25 ca (chiếm tỷ lệ 75%) được điều trị HIV ngay trong ngày khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, 100% ca được điều trị HIV trong vòng 7 ngày sau khi phát hiện bệnh.
Trong số ca nhiễm HIV mới ghi nhận tại Kiên Giang, các trường hợp nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm khoảng 50%. Các ca nhiễm HIV trong nhóm MSM cũng trẻ hóa. Riêng tại các địa phương triển khai dự án EPIC là Rạch Giá, Châu Thành và Phú Quốc, số ca nhiễm HIV là MSM chiếm 59% các ca nhiễm mới.
Tỉnh Kiên Giang hiện có có 9 phòng khám cấp thuốc điều trị ARV cho người nhiễm HIV, nhiều người có xét nghiệm dương tính đã được dùng thuốc điều trị ngay trong ngày.
Dự án EPIC do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhằm đạt được mục tiêu khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư nói chung dưới 0.3%; đạt được mục tiêu 90-90-90 và hướng tới cơ bản chấm dứt đại dịch AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.
Các hoạt động chính của năm 2023 bao gồm: Tìm ca tại cộng đồng và cơ sở y tế; chăm sóc điều trị HIV/AIDS; điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP); nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm; theo dõi, đánh giá, giám sát; nâng cao năng lực hệ thống y tế (HSS); đáp ứng y tế công cộng; hợp đồng xã hội; hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho đến nay nguồn kinh phí hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình phòng chống HIV/AIDS của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ đã và đang là một trong những nguồn hỗ trợ lớn nhất tại Việt Nam.
Không thể chủ quan
Tính đến 30/6/2023 số ca tích lũy phát hiện HIV của Kiên Giang là 6.509 người, trong đó 1.702 người đã tử vong; Số người nhiễm HIV còn sống quản lý được: 84,6% (4.068/4.807). Hiện có 3.161 người nhiễm đang được điều trị thuốc kháng virus HIV (74 là trẻ em
Đối tượng dễ bị nhiễm HIV và tỷ lệ nhiễm cao là nhóm có quan hệ tình dục đồng giới, người nghiện chích ma túy, người mua bán dâm. Qua thống kê cho thấy số người bị nhiễm HIV do lây qua đường tình dục chiếm 81% (năm 2022 phát hiện chủ yếu do lây qua đường tình dục 97%); Phân bố theo tuổi: độ tuổi 25-49 là 72%; giới nam 66%, nữ 34%, từ 2017 đến nay đối tượng mắc mới HIV là nam giới gia tăng trở lại lên 86% (2022).
Trong những năm gần đây, tại tỉnh Kiên Giang, nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, với tỷ lệ nhiễm HIV từ 11,3% lên 14,7% qua giám sát trọng điểm từ 2015-2020, năm 2022 có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ vẫn cao là 11,3%.
Tỷ lệ hiện nhiễm HIV tỉnh Kiên Giang khoảng 0,2% (so cả nước là 0,3%) và 99,3% (143/144) xã/phường đã ghi nhận có ca nhiễm HIV.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, hiện Kiên Giang đang triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS như can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; Tư vấn, xét nghiệm HIV; Khám và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Điều trị thuốc kháng virus HIV, Điều trị viêm gan virus C trên người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan virus C...
Bác sỹ Võ Thị Lợt phân tích một khó khăn lớn trong công tác phòng chống dịch HIV/AIDS tại tỉnh đó là số ca mắc mới HIV liên tục tăng cao. Toàn tỉnh hiện có 4.000 trường hợp có HIV/AIDS cần được chăm sóc, điều trị liên tục, suốt đời. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí địa phương bố trí cho các kỹ thuật xét nghiệm, sinh phẩm chưa mua sắm được do đến nay chưa có định mức chi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, vì vậy các cơ sở y tế chưa triển khai mua sắm được.
“Bên cạnh đó, hoạt động mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội là hoạt động thí điểm, các doanh nghiệp xã hội trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực này còn non trẻ, nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong mua sắm. Phần lớn các kỹ thuật xét nghiệm và sinh phẩm như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn 10 năm nay tỉnh không mua được và đều nhận được sự hỗ trợ từ các dự án,” bác sỹ Lợt cho hay.
Vì vậy, với hỗ trợ của các dự án, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đang triển khai tại Kiên Giang được chú trọng như: can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn, xét nghiệm HIV…/.