Kiên Giang chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

Gần đây, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh, đồng thời ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh Kiên Giang đang chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 224 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó ghi nhận 1 trường hợp tử vong, tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2022 (232 ca). Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang tiếp nhận khám, điều trị 117 ca bệnh tay chân miệng, trong đó nhập viện điều trị 66 ca.

Bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang cho biết: “Những tháng đầu năm 2023, bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại bệnh viện không tăng so cùng kỳ năm 2022 nhưng có dấu hiệu tăng những tuần gần đây, ghi nhận 1 trường hợp tử vong, dương tính với virus EV71. Đây là chủng virus nguy hiểm có nhiều biến chứng nặng như viêm màng não, suy tim… dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời”.

Hiện Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang điều trị nội trú 24 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Chăm sóc cháu ngoại điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, bà Đặng Ngọc Lý, ngụ xã Hưng Yên (An Biên) cho biết: “Ở nhà cháu sốt, không chịu ăn, bứt rứt hay quấy khóc, gia đình mua thuốc cho cháu uống. Sau 1 ngày thấy cháu không hạ sốt tôi đưa cháu đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh khám, được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị. Hôm nay cháu điều trị ngày thứ 5, sức khỏe tốt hơn, hạ sốt, ăn được, ngủ được và ít quấy khóc”.

Bệnh nhi được điều trị bệnh tay chân miệng tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang.

Bệnh nhi được điều trị bệnh tay chân miệng tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý, bệnh tay chân miệng có dấu hiệu tăng gần đây do thời tiết thuận lợi cho virus gây bệnh tay chân miệng phát triển. Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, mụn nước của người nhiễm virus. Vì vậy, bệnh dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những địa điểm sinh hoạt tập thể như trường học, nhà giữ trẻ. Ngoài ra, một số phụ huynh chủ quan đối với bệnh tay chân miệng, chưa chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa hoặc không đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm gây khó khăn cho công tác điều trị.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người có thể phát triển thành dịch do virus đường ruột gây ra. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng chuyển nặng như sốt trên 2 ngày và sốt rất khó hạ, trẻ nôn ói nhiều, giật mình chới với, tay tím, thở mệt, da nổi bông, yếu tay yếu chân…

“Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và có thể tử vong nếu điều trị không kịp thời. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ chuyên khoa I Trần Hoài Linh - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang khuyến cáo.

Bệnh nhi được điều trị bệnh tay chân miệng tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang.

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng gia tăng và có trường hợp tử vong, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành công văn yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, tập trung vào các khu vực có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Sở Y tế tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Chủ động rà soát nguồn lực, củng cố hoạt động của các đơn vị, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị bệnh nhân trong các tình huống.

Bài và ảnh: MI NI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//y-te/kien-giang-chu-dong-phong-chong-dich-benh-tay-chan-mieng-15422.html