Kiên Giang đầu tư phát triển mạng lưới điện cho vùng sâu vùng xa

Trong những năm gần đây, ngành điện lực đã đầu tư lớn để cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, đã góp phần làm thay đổi cuộc sống sinh hoạt của người dân và khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, từ nay đến năm 2020, ngành điện sẽ đầu tư xây dựng để phát triển lưới điện tại các vùng nông thôn, phấn đấu đạt 99% hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất trên toàn tỉnh.

Theo ông Hứa Thanh Nhàn - Giám đốc Công ty Điện lực Kiên Giang, hiện tại mạng lưới điện đã phủ kín đến hơn 98% hộ dân sử dụng điện nhưng hiện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vẫn còn nhiều nơi chưa có điện hoặc người dân sử dụng điện tự câu đuôi, hoặc người có điện lưới quốc gia cho những hộ chưa có điện sử dụng nhờ, gây khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất và không đảm bảo an toàn điện. Để đầu tư phát triển lưới điện phủ kín vùng chưa có điện phải cần số vốn rất lớn, do vậy việc đầu tư cần phải được ưu tiên cho các địa phương trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, những nơi đông dân cư, suất đầu tư thấp và những nơi đang cấp thiết nhất về nhu cầu sử dụng điện.

Đưa lưới điện về vùng xa của tỉnh Kiên Giang giúp nông dân phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp

Đưa lưới điện về vùng xa của tỉnh Kiên Giang giúp nông dân phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp

Cụ thể, tại địa bàn huyện An Minh, ngành điện đã triển khai dự án cấp điện cho đồng bào Khmer giai đoạn 2, công trình gồm lưới điện trung thế 14km, hạ thế 24,1km, tổng dung lượng trạm biến áp 400 kVA, vốn đầu tư 11,3 tỷ đồng để cấp điện cho 639 hộ dân. Các công trình về điện để phục vụ người dân như dự án trung thế dài 4,6km, hạ thế dài 5,6km, tổng dung lượng trạm biến áp 135 kVA, vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Dự án trung thế dài 34,8km, hạ thế dài gần 80km, tổng dung lượng trạm biến áp 1.025 kVA, vốn đầu tư 32,6 tỷ đồng cũng đã được ngành điện đầu tư.

Tại huyện Châu Thành, dự án cấp điện cho đồng bào Khmer giai đoạn 2, gồm lưới trung thế 4km, hạ thế 10,5km, tổng dung lượng trạm biến áp 125 kVA, vốn đầu tư 5,4 tỷ đồng. Dự án trung thế 3,6km, hạ thế dài 6,4km, tổng dung lượng trạm biến áp 750 kVA, vốn đầu tư 5,9 tỷ đồng và dự án trung thế 1km, hạ thế 1km, tổng dung lượng trạm biến áp 25 kVA, vốn đầu tư 717 triệu đồng cũng đã được triển khai.

Để phục vụ cho gần 1.900 hộ dân đồng bào Khmer sử dụng điện trên địa bàn huyện Giồng Riềng, ngành điện cũng đã đầu tư 36,4 tỷ đồng thực hiện dự án cấp điện giai đoạn 2 gồm lưới trung thế 40,8km, hạ thế 83,8km, tổng dung lượng trạm biến áp 1.263 kVA. Đầu tư 3,2 tỷ đồng thực hiện dự án trung thế 2,8km, hạ thế 9,4km, tổng dung lượng trạm biến áp 545 kVA và 3,3 tỷ đồng cho dự án trung thế 1,1km, hạ thế 6,4km, tổng dung lượng trạm biến áp 100 kVA.

Thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn từ nay đến năm 2020 ở tỉnh Kiên Giang, ngoài đầu tư lưới điện cho vùng lõm, vùng chưa có điện, ngành điện lực còn đầu tư nguồn ngân sách khá lớn để đáp ứng nhu cầu về điện cho người dân nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp.

Ngoài đầu tư trực tiếp của ngành điện, hàng năm UBND tỉnh Kiên Giang còn chi ngân sách khoảng 30 tỷ đồng để đầu tư hệ thống điện trung thế, trạm biến áp cho nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn. Theo ông Nhàn, hiện tại việc cấp điện phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp tại Kiên Giang đã được cải thiện khá lớn so với trước đây. Tình trạng quá tải cục bộ trạm biến áp và đường dây dẫn điện đã được khắc phục.

Cùng với sự đầu tư cho mạng lưới điện phục vụ cho các khu dân cư vùng lõm, vùng chưa có điện của ngành điện lực, các chuyên gia của ngành điện cho rằng, chính quyền địa phương cần xây dựng quy hoạch, phát triển ngành nuôi tôm đúng với quy hoạch nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư lưới điện đồng bộ và đảm bảo kỹ thuật. Mặt khác, khách hàng sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất cần tiếp cận, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, đảm bảo an toàn điện nhằm chia sẻ những khó khăn với ngành điện hiện nay.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kien-giang-dau-tu-phat-trien-mang-luoi-dien-cho-vung-sau-vung-xa-126036.html