Kiên Giang: Điểm sáng về hợp tác địa phương Việt Nam-Thái Lan
Bên cạnh quan hệ hợp tác ở cấp Chính phủ, hợp tác ở cấp địa phương giữa Việt Nam và Thái Lan cũng rất sôi động, minh chứng rõ nhất là quan hệ giữa tỉnh Kiên Giang với các địa phương của Thái Lan trong thời gian qua.
Hai bên đã chứng kiến những hoạt động hợp tác sôi động, trải rộng trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thủy sản... cho đến giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao. Hai địa phương của Thái Lan có nhiều hoạt động hợp tác với tỉnh Kiên Giang hiện nay là tỉnh Chanthaburi và tỉnh Trat.
Sôi động hoạt động hợp tác
Ngày 8/4/2005, UBND tỉnh Kiên Giang và tỉnh Chanthaburi (Thái Lan) đã ký Bản ghi nhớ về mối quan hệ hữu nghị, tập trung vào các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thủy sản, văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao. Ngày 31/10/2014, UBND tỉnh đã ký Biên bản hợp tác với Chính quyền tỉnh Trat, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Hợp tác giữa tỉnh Kiên Giang với Thái Lan những năm qua chủ yếu xoay quanh Hợp tác Hành lang kinh tế Campuchia - Việt Nam – Thái Lan. Năm 2007, tỉnh đã phối hợp với tỉnh Trat, Chanthaburi thực hiện chuyến khảo sát du lịch bằng đường biển từ đảo Phú Quốc đến cảng Sihanoukville (Campuchia) và tỉnh Chanthaburi.
Ngày 31/10/2014, tại Phú Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Khắc Ghi đã chủ trì Hội nghị 9 bên gồm đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và lãnh đạo 4 tỉnh Campuchia (Kampot, Kep, Preah Sihanouk và Koh Kong) và 4 tỉnh Thái Lan (Chonburi, Chanthaburi, Trat và Rayong).
Ở chiều ngược lại, tỉnh Kiên Giang cũng tham dự nhiều sự kiện do phía Thái Lan tổ chức: 4 đoàn cấp Phó Chủ tịch UBND tỉnh khảo sát các cơ hội hợp tác về nông nghiệp, thương mại, du lịch, MICE, vận tải... theo tuyến đường hành lang ven biển phía Nam (R10); dự Hội nghị CVTEC lần thứ 1, 2 tại Thái Lan và lần 3 bằng hình thức trực tuyến; dự Khóa đào tạo ngắn hạn về phát triển lao động tập trung vào du lịch và dịch vụ tại tỉnh Trat; tạo điều kiện cho hai đoàn công tác Thái Lan quay phim, thu thập thông tin, hình ảnh các điểm du lịch tiêu biểu của Kiên Giang để quảng bá cho tour du lịch theo tuyến đường R10.
Từ năm 2005 đến nay, Kiên Giang đã đón nhiều đoàn cấp cao của Thái Lan đến thăm tỉnh như cấp đại sứ, tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng, phó vụ trưởng, tổng lãnh sự...
Trong năm 2021, UBND tỉnh Kiên Giang dự kiến phối hợp với phía Thái Lan tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan tại địa phương; phối hợp với Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán Thái Lan đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào tỉnh...
Đẩy mạnh hợp tác thương mại, du lịch
Về hợp tác thương mại, hiện có trên 40 doanh nghiệp của tỉnh xuất khẩu qua hơn 43 thị trường nước ngoài, trong đó xuất khẩu vào thị trường Thái Lan liên tục gia tăng ấn tượng, từ 0,57 triệu USD năm 2016 lên 21,49 triệu USD năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cá đông, mực đông, chả cá đông, dừa khô...
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nói chung và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu nói riêng có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và sự hợp tác của tỉnh với Thái Lan.
Nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu với Thái Lan như Công ty CP Thủy sản Kiên Giang, Công ty TNHH Thủy sản AOKI, Công ty TNHH MTV Trí Danh Kiên Giang, Công ty TNHH XNK Dương Lan Hà Tiên... đã đóng góp tích cực, đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa Kiên Giang và các địa phương của Thái Lan.
Nằm trong vịnh Thái Lan và có khoảng cách rất gần với các nước ASEAN, Kiên Giang là tỉnh có nhiều tài nguyên tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái biển, đảo.
Dựa vào lợi thế này, Kiên Giang đang đầu tư, khai thác các loại hình du lịch chủ yếu như: du lịch sinh thái biển đảo; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; du lịch khám phá; du lịch vui chơi giải trí, mua sắm...
Đặc thù là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa địa phương, du lịch sinh thái chất lượng cao Phú Quốc. Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang đã công nhận 3 khu du lịch địa phương: Khu du lịch quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Khu du lịch Lại Sơn (Kiên Hải), Khu du lịch Quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên), đều là những khu du lịch biển đảo.
Những năm qua, lĩnh vực du lịch được tỉnh quan tâm khai thác, nhiều khu du lịch được tổ chức quy hoạch, nhiều dự án du lịch được đầu tư mới.
Bên cạnh một số khu vui chơi giải trí hiện có, thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đưa vào khai thác nhiều khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao như Vinpearl, JW. Marriott, Sol Beach, Mường Thanh, Intercon, Novotel...
Đặc biệt, hiện nay Phú Quốc đang triển khai xây dựng cảng biển quốc tế đủ khả năng đón các tàu khách quốc tế có sức chứa 5.000-6.000 khách.
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, du lịch cũng là lĩnh vực hợp tác trọng tâm, được tỉnh Kiên Giang và các địa phương của Thái Lan quan tâm thúc đẩy trong thời gian qua.
Năm 2019, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang và Cà Mau đã ký Biên bản ghi nhớ với Sở Thương mại 5 tỉnh Campuchia, 4 tỉnh miền Đông Thái Lan và Hội đồng Du lịch Thái Lan hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch; phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng du lịch; phát triển và truyền thông ngành dịch vụ du lịch dọc theo hành lang kinh tế ven biển của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan - Tuyến đường R10.
Ngoài kết nối phát triển du lịch theo tuyến đường bộ, Kiên Giang còn có nhiều tiềm năng kết nối phát triển du lịch bằng đường biển với các địa phương ven biển của Thái Lan theo tuyến R10, bắt đầu từ thành phố Phú Quốc.
Bên cạnh hợp tác về thương mại và du lịch, hợp tác giữa tỉnh Kiên Giang với Thái Lan còn nhiều lĩnh vực có tiềm năng khác có thể thúc đẩy trong thời gian tới như về giáo dục-đào tạo, công nghiệp, hạ tầng, đóng mới và sửa chữa tàu, nông nghiệp...