Kiên Giang sớm hoàn tất GPMB cho cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Tỉnh Kiên Giang cần xử lý dứt điểm các vướng mắc mặt bằng tại các vị trí 'đường găng' của dự án, từ đó nhà thầu có đường tiếp cận và tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ.

Ngày 28/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã có buổi kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm kiểm tra điểm cuối tuyến qua địa bàn tỉnh Cà Mau

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm kiểm tra điểm cuối tuyến qua địa bàn tỉnh Cà Mau

Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau dài 73,3 km bắt đầu từ km53 - km126+223 đi qua 4 tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

Sản lượng của dự án đến nay đạt 2.459/11.966 tỷ đồng, đạt 20,6% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, ngoài việc gặp khó khăn về nguồn vật liệu, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn tồn tại nhiều vướng mắc về mặt bằng khiến nhà thầu không thể tập trung thi công.

Công tác thi công trên toàn tuyến gặp khó khăn do thiếu nguồn cát đắp

Công tác thi công trên toàn tuyến gặp khó khăn do thiếu nguồn cát đắp

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, đoạn tuyến cao tốc qua địa bàn huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã bàn giao trên tuyến chính được 16,9/17,04 km (đạt 99%), nhưng mới tổ chức thi công được 15/17,04 km (đạt 88%). Trong đó, còn vướng 22 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng với 8/22 hộ chưa nhận tiền đền bù, 14/22 hộ đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm gửi lời cảm ơn đến tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng cho dự án trong thời gian qua.

Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau là một trong những dự án trọng điểm của khu vực. Do đó, nhiệm vụ các địa phương phải đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để các đơn vị tập trung thi công, hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Đoàn công tác kiểm tra các đoạn vướng mặt bằng tại huyện Vĩnh Thuận

Đoàn công tác kiểm tra các đoạn vướng mặt bằng tại huyện Vĩnh Thuận

Hiện nay, các dự án trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều đang thiếu cát đắp, trong khi đó thời gian chờ xử lý đất yếu kéo dài. Do đó, nhà thầu đang tập trung thi công cầu trên tuyến chính.

“Chúng tôi ghi nhận sự phối hợp, nỗ lực của địa phương trong việc bàn giao mặt bằng để dự án khởi công và triển khai trong thời gian qua. Tuy số hộ dân còn lại chưa bàn giao mặt bằng không nhiều, nhưng đây là các trường hợp khó xử lý. Nếu không quyết liệt thì khó đảm bảo mốc bàn giao như cam kết”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm lo ngại.

Nhà thầu Hải Đăng báo cáo tiến độ thi công cũng như các khó khăn về mặt bằng và nguồn vật liệu

Nhà thầu Hải Đăng báo cáo tiến độ thi công cũng như các khó khăn về mặt bằng và nguồn vật liệu

Trước thực trạng đó, các nhà thầu kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang sớm chỉ đạo quyết liệt các đơn vị để quá trình thi công được đảm bảo tiến độ, đặc biệt là nguồn vật liệu cát đắp nền đường.

Thực tế, nhà thầu đã tập trung thi công cầu, nhưng mặt bằng trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang vẫn “xôi đỗ”. Số hộ còn vướng tại các điểm thi công cầu khiến nhà thầu không có đường tiếp cận nên không thể thi công.

Đại diện nhà thầu VNCN cho rằng, thời gian xử lý đất yếu các hạng mục đầu cầu kéo dài từ 10 - 14 tháng. Trong đó, cầu Phó Sinh - Cạnh Đền là cầu lớn gồm 9 nhịp, thời gian thi công dài. Đơn vị kiến nghị tỉnh sớm bàn giao mặt bằng khu vực 22 hộ dân còn vướng và xử lý các vị trí hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng.

Lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với tỉnh Kiên Giang và các đơn vị liên quan

Lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với tỉnh Kiên Giang và các đơn vị liên quan

Ông Lê Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận nhìn nhận, quá trình giải phóng mặt bằng qua địa bàn còn vướng nhiều hộ dân, nguyên nhân chính là do người dân khiếu nại về giá đền bù.

Để sớm giải quyết và bàn giao mặt bằng cho dự án, ông Đủ kiến nghị lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ngành có liên quan hỗ trợ huyện trong công tác đối thoại, vận động, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến những hộ chưa nhận tiền bồi thường và chưa bàn giao mặt bằng cho dự án; chủ trì, phối hợp với các thành viên hội đồng thẩm định sớm có phương án bồi thường, hỗ trợ đối với Nhà máy Sản xuất nước đá Kiến Thành, đặc biệt là hỗ trợ nguồn cát san lấp mặt bằng dự án Khu tái định cư huyện Vĩnh Thuận phục vụ cho dự án.

Trước các kiến nghị của nhiều đơn vị, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng nhìn nhận sự chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng cho dự án.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cam kết bàn giao mặt bằng cho dự án trước ngày 30/3/2024

Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cam kết bàn giao mặt bằng cho dự án trước ngày 30/3/2024

"Trong tháng 3/2024 sẽ hoàn tất bàn giao mặt bằng. Huyện Vĩnh Thuận khẩn trương tổ chức phương án bảo vệ thi công, ưu tiên cưỡng chế giao mặt bằng tại các điểm cầu trên tuyến. Đồng thời, khi tiến hành cưỡng chế thu hồi đất phải bố trí chỗ ở phù hợp cho người dân và bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Các sở, ban, ngành và lực lượng công an cần nắm rõ phương án cưỡng chế để bảo đảm an ninh tại khu vực”, ông Nhàn nêu quan điểm của tỉnh.

"Trong quá trình tổ chức bảo vệ thi công, Ban QLDA và các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện có hiệu quả, đồng thời chuẩn bị nhân lực, máy móc để thi công ngay khi nhận được mặt bằng", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/kien-giang-som-hoan-tat-gpmb-cho-cao-toc-hau-giang-ca-mau-183240228113414833.htm