Kiên Giang tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển
Tỉnh Kiên Giang thúc đẩy phát triển thành phố Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư lớn, phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện 4 khâu đột phá, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, cải thiện đời sống người dân vùng biển đảo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Qua 3 năm thực hiện nghị quyết này, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 80% GRDP toàn tỉnh, đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030.
Đột phá mang tính chiến lược
Thực hiện các khâu đột phá này, tỉnh Kiên Giang thúc đẩy phát triển thành phố Phú Quốc trở thành động lực phát triển của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư lớn, phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế, với 3 trụ cột chính, gồm công nghiệp giải trí; nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng, kinh tế biển.
Tiếp đến, tỉnh xây dựng và thực hiện đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo.
Từ đó, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân vùng biển, hải đảo.
Theo đó, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất từ nuôi biển năm 2025 đạt hơn 7.545 tỷ đồng, thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển 18.510 người và đến năm 2030 đạt hơn 19.485 tỷ đồng, thu hút lao động 47.680 người tham gia.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, tỉnh quan tâm phát triển các khu công nghiệp, đô thị ven biển nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh hiện có 5 khu công nghiệp, gồm Thạnh Lộc, Thuận Yên, Xẻo Rô, Tắc Cậu và Kiên Lương II nằm trong danh mục các khu công nghiệp Việt Nam với tổng diện tích hơn 770ha; trong đó, khu công nghiệp Thạnh Lộc giai đoạn 1 diện tích hơn 151ha đã hoàn chỉnh cơ bản hạ tầng và thu hút được 24 dự án; trong đó, 16 dự án đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động với tỷ lệ lắp đầy 67,43%.
Tỉnh đã quy hoạch 14 cụm công nghiệp, với tổng diện tích hơn 607ha.
Hai thành phố Rạch Giá và Hà Tiên trong số 9 địa phương cấp huyện có biển đã triển khai các dự án lấn biển xây dựng các khu đô thị mới đã tạo động lực phát triển kinh tế cho địa phương và của tỉnh.
Cụ thể như khu đô thị mới lấn biển mở rộng thành phố Rạch Giá, khu đô thị mới Phú Cường, khu dân cư lấn biển Trần Quang Khải, khu đô thị mới lấn biển Hà Tiên, khu đô thị lấn biển Nam Hà Tiên...
Ngoài ra, các huyện và thành phố ven biển đang rà soát tổ chức lập quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện làm cơ sở triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hoàn thành quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, quy hoạch tuyến đường Rạch Giá-Hà Tiên quy mô 4 làn xe kết nối với đường hành lang ven biển phía Nam.
Hiện nay, tỉnh tích cực triển khai thực hiện các dự án xây dựng các tuyến đường ven biển trên địa bàn tỉnh như Rạch Giá-Hòn Đất, Hòn Đất-Kiên Lương… tạo động lực phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Đối với kinh tế hàng hải, tỉnh Kiên Giang hoàn thành quy hoạch hệ thống cảng biển trên địa bàn, góp phần phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế biển.
Tỉnh đề nghị Trung ương xem xét phát triển hệ thống cảng động lực khu vực, có chức năng là cửa ngõ phía Tây Nam vào Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh tập trung khai thác các cảng, bến khu vực Phú Quốc (Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc), Cảng Hòn Chông (Kiên Lương) và Cảng nước sâu Nam Du (Kiên Hải) để tận dụng lợi thế, thu hút nguồn hàng từ các nước trong khu vực Vịnh Thái Lan, ASEAN và hành lang kinh tế Đông Tây.
Tỉnh có đội tàu vận tải hành khách lớn nhất cả nước, đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa và nhu cầu du lịch biển và hải đảo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Trong những năm qua, vận chuyển hành khách trên các tuyến từ bờ ra đảo trung bình đạt khoảng 2,6 triệu lượt hành khách, tỷ lệ tăng trung bình từ 13-15% mỗi năm.
Dịch vụ vận tải ngày càng được đổi mới, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, chất lượng ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tập trung nguồn lực
Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế biển thời gian qua của Kiên Giang là đề ra nhiều giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống nhân dân.
Đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 800 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 390.360 tỷ đồng, trong đó, những địa phương có biển là 729 dự án, vốn đăng ký hơn 186.800 tỷ đồng.
Nhiều dự án công trình lớn đã triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; cầu Cái Lớn-Cái Bé; hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé; đưa lưới điện quốc gia ra các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Lại Sơn, Hòn Nghệ, Tiên Hải; các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão Lình Huỳnh, Hòn Tre, Thổ Châu, An Thới, Xẻo Nhàu...
Theo đó, đến nay tỷ lệ hộ dân vùng ven biển, hải đảo được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đạt hơn 99%, sử dụng nước hợp vệ sinh trên 81%.
Tỉnh xây dựng 8 dự án mang tính cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu như nâng cấp đề biển Tây từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa (An Minh), khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển, quản lý tổng hợp vùng bờ.
Đặc biệt, thành phố Phú Quốc được đầu tư nhiều dự án, công trình quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng Bãi Vòng, cảng An Thới, hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước và nhiều công trình thủy lợi vùng ven biển phục vụ nuôi trồng thủy ản, các công trình gia cố đê biển...
Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo điểm nhấn cho du lịch Phú Quốc.
Cụ thể như khu Vinpearl, khu Safari, cáp treo An Thới-Hòn Thơm, khu vui chơi giải trí hàng đầu Đông Nam Á-Phú Quốc United Center, khu VinWonders Phú Quốc-Thiên đường vui chơi giải trí, Vinpearland, casino...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho hay, tỉnh đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào các lĩnh vực đời sống ở những địa phương có biển và triển khai nhiều đề tài, dự án mô hình phục vụ phát triển kinh tế biển.
Cụ thể như xây dựng mô hình nuôi cá mú, cá bóp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du; mô hình nuôi sò huyết bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng U Minh Thượng; mô hình ươm giống nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trong lồng nhựa HPDE tại Phú Quốc...
Cùng với đó, tỉnh tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, kiểm tra chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở phục vụ du lịch, quản lý chất thải nhựa, rác thải đại dương trong sinh hoạt và các hoạt động du lịch, khai thác hải sản trên biển.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn, xây dựng tường mềm giảm sóng dọc theo bờ biển phần đất liền, gây bồi, tạo bãi để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ các tuyến đê biển, hạn chế xói lở bờ biển…
Tỉnh cũng ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thông tin viễn thám và kỹ thuật thông tin địa lý đánh giá diễn thế rừng, đất đai, tài nguyên động vật và thực vật, theo dõi giám sát diễn biến tài nguyên rừng.
Kiên Giang là một trong số 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển. Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong vùng đồng bằng sông Cửu Long./.