Kiên Giang: Tập huấn Kỹ năng sáng tác bút kí văn học

Trong 02 ngày 15&16/7/2023, tại Tp. Rạch Giá, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang tổ chức lớp tập huấn phương pháp, kỹ năng sáng tác bút kí văn học cho hội viên phân hội văn học, do thạc sĩ, nhà giáo Trương Chí Hùng, giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang trao đổi kinh nghiệm sáng tác.

Nhà giáo Trương Chí Hùng, giảng viên Khoa Sư phạm Trường Đại học An Giang trao đổi kinh nghiệm sáng tác bút kí văn học

Nhà giáo Trương Chí Hùng, giảng viên Khoa Sư phạm Trường Đại học An Giang trao đổi kinh nghiệm sáng tác bút kí văn học

Phát biểu bế giảng lớp tập huấn, soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang, nêu rõ, bút kí văn học là một thể loại phổ biến và rất quan trọng của báo chí và sáng tác văn học nghệ thuật.

Do đó, Hội văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang tổ chức lớp tập huấn phương pháp, kỹ năng sáng tác bút kí văn học nhằm trang bị cho anh chị em hội viên phân hội văn học nắm rõ kiến thức phân loại bút kí văn học và bút kí báo chí cùng một số thể loại khác.

Những kinh nghiệm chọn đề tài một bài bút kí văn học; cách viết một bài bút kí,… rất cần thiết, quan trọng giúp anh em văn nghệ sĩ quyết tâm nhiều hơn nữa, bám sát thực tiễn cuộc sống, lăn lộn với các phong trào ở địa phương để tìm chủ đề, sự kiện, tư liệu, nhân vật cho bài viết bút kí của mình,...

Nhà giáo Trương Chí Hùng, giảng viên Khoa Sư phạm Trường Đại học An Giang đã cung cấp cho các học viên một số phương pháp, kỹ năng viết bút kí văn học, như: Kinh nghiệm chọn đề tài cho một bài bút kí văn học; cách quan sát, thu thập dữ liệu cho bài viết; cách triển khai một bài bút kí (phần mở đầu, nội dung chính, phần kết); cảm xúc - yếu tố quyết định cho một bài kí hay; đọc và phân tích một số bài bút kí tiêu biểu.

Tại buổi tập huấn, các học viên tự chọn một đề tài để viết bút kí và thuyết minh lý do chọn đề tài, dự kiến triển khai dàn ý trong bài viết. Giảng viên Trương Chí Hùng góp ý, định hướng, gợi ý cách khai thác đề tài mà các học viên trình bày.

Học viên Nguyễn Chí Ngoan nêu những câu hỏi để giảng viên giải đáp về kỹ năng sáng tác kí văn học

Học viên Nguyễn Chí Ngoan nêu những câu hỏi để giảng viên giải đáp về kỹ năng sáng tác kí văn học

Thông qua lớp tập huấn, các học viên hiểu rằng thể loại bút kí là những cảm nhận chân thật, trực tiếp mà người viết sống, gắn bó với văn hóa vùng miền quê của mình; thấu hiểu đằm mình trong vùng văn hóa đó để viết nên những tác phẩm sinh động, thuyết phục khiến người khác cảm nhận được tình yêu của tác giả với vùng đất ấy, để yêu, để mến và mong muốn đặt chân vùng đất, miền quê đó.

Bút kí là kết quả của sự tinh kết những trải nghiệm lâu dài gom nhặt tư liệu và hơi thở cuộc sống để có những đánh giá, nhìn nhận sắc sảo sau đó mới viết. Nhiều bút kí chỉ dừng lại là bút kí báo chí chứ chưa phải là bút kí văn học đúng nghĩa; không nên lẫn lộn giữa bút kí báo chí với bút kí văn học. Bút kí có thế mạnh của hiện thực, biết khai thác, sắp xếp tình tiết hợp lý sẽ tạo thành tác phẩm bút kí văn học hay.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/kien-giang-tap-huan-ky-nang-sang-tac-but-ki-van-hoc-a19859.html