Kiên Giang ứng dụng công nghệ trong xử lý rác thải

Xử lý rác thải thu hồi năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là xu hướng công nghệ xử lý rác hiện nay. Kiên Giang đã và đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ này để giải quyết vấn đề rác thải ở địa phương.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay hơn 1.270 tấn/ngày; trong đó, chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 567 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn khoảng 707 tấn/ngày.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhà máy xử lý rác TP. Rạch Giá tại xã Mỹ Lâm (Hòn Đất) xử lý rác thải của TP. Rạch Giá và một phần của các huyện Hòn Đất, An Biên, Tân Hiệp, Châu Thành.

Nhà máy xử lý rác Phú Quốc với công suất 200 tấn/ngày do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thuận Thành tiếp nhận từ Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo Toàn Cầu đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm.

Nhà máy xử lý rác Long Thạnh công suất 245 tấn/ngày tại huyện Giồng Riềng đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm.

Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đã đầu tư lò đốt rác BD-Alpha tại các xã đảo Tiên Hải (TP. Hà Tiên), Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương), An Sơn, Lại Sơn (huyện Kiên Hải).

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thái Nguyên cho biết, các nhà máy xử lý rác hiện nay ở tỉnh ứng dụng công nghệ tích hợp các công đoạn xử lý theo dây chuyền như hệ thống phân loại, xử lý, tái chế, đốt và đóng rắn. Đặc biệt có nhà máy thử nghiệm công nghệ khí hóa thu hồi năng lượng với công suất 100 tấn/ngày.

Đối với các lò đốt sử dụng công nghệ BD-Alpha có công suất 300-400kg/h, đảm bảo các yêu cầu về thông số kỹ thuật theo QCVN 61-MT:2016/BTNMT để giảm thiểu, xử lý rác thải phát sinh phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái biển tại các xã đảo.

Công nhân làm việc tại nhà máy xử lý rác do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thuận Thành vận hành ở TP. Phú Quốc.

Công nhân làm việc tại nhà máy xử lý rác do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thuận Thành vận hành ở TP. Phú Quốc.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thuận Thành cho biết công ty ứng dụng công nghệ khí hóa xử lý rác thải sinh hoạt trên TP. Phú Quốc. Rác thải tiếp nhận vào nhà máy sẽ đổ vào khu vực tiếp nhận rác thải để xử lý. Rác sau khi ép sẽ được đưa đến lò sấy làm khô bằng nhiệt lượng hoàn lưu từ lò đốt rác trước khi đưa vào lò đốt. Toàn bộ lượng khí đốt được đưa vào lò sấy sau đó được chuyển về túi khí với khả năng lưu trữ 2.000m3, áp suất đủ để phát điện trên 5 giờ nếu lò ngừng hoạt động. Lượng khí này được cung cấp cho hệ thống máy phát điện để sản xuất điện hàng ngày.

Các lò đốt chất thải rắn BD-Alpha do Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường Bách Khoa Hà Nội tổng hợp, hoàn thiện công nghệ nhằm mục đích xử lý chất thải rắn, có thu hồi nhiệt thừa từ khói thải để sản xuất hơi nước bão hòa, cung cấp cho công nghiệp hoặc sản xuất điện năng.

Ông Nguyễn Đức Quyền - đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng và Môi trường Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sử dụng dây chuyền thiết bị lò đốt BD-Alpha không cần phân loại, quy mô làng nghề, khu xử lý chất thải tập trung hoặc khu công nghiệp được xem là một giải pháp phù hợp, có vai trò quyết định khi xử lý triệt để các vấn đề về môi trường phức tạp gồm cả rắn, lỏng, khí”.

Từ những nghiên cứu công nghệ trên thế giới và xu hướng ứng dụng công nghệ xử lý rác trên cả nước, các dự án công nghệ xử lý rác thải thu hồi năng lượng giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã và đang là xu hướng công nghệ xử lý rác trong thời gian tới. “Kiên Giang đang ứng dụng công nghệ này và đây đang là xu hướng giải quyết vấn đề xử lý chất thải, sinh thái, môi trường và nhu cầu năng lượng, đặc biệt tại các khu vực cần nguồn điện phát triển như đảo ngọc Phú Quốc hay các xã đảo”, đồng chí Nguyễn Thái Nguyên nói.

Hiện tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở Kiên Giang đạt 90,87%, chủ yếu tập trung tại các đô thị ở các thành phố Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên và các huyện Kiên Lương, Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng...Ở một số khu vực nông thôn, chất thải rắn sinh hoạt được các đơn vị dịch vụ môi trường hoặc các hợp tác xã, tổ tự quản thu gom, vận chuyển đến các bãi rác lộ thiên tự phát chiếm khoảng 71%; khoảng 16% được xử lý tại các nhà máy sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

Bài và ảnh: TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/kien-giang-ung-dung-cong-nghe-trong-xu-ly-rac-thai-11754.html