Kiên Giang xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2024 và năm 2025
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết tỉnh bám sát thực hiện quyết liệt kịch bản tăng trưởng năm nay đạt các mục tiêu để tạo cơ sở, nền tảng vững chắc thực hiện kịch bản năm 2025 là 10,99%.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,24% trở lên trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đến hết năm 2023, việc thực hiện kế hoạch, mục tiêu trên đã trở thành một vấn đề khó khăn, cần phải nỗ lực, quyết liệt thực hiện trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Do đó, tỉnh xây dựng kịch bản, với mục tiêu GRDP năm 2024 là 9,5% và năm 2025 là 10,99% để các sở, ngành, địa phương bám sát thực hiện mới đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nhiệm kỳ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh 3 năm qua chưa đạt như kỳ vọng, nhiệm vụ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề. Trong khi thời gian không còn nhiều và những khó khăn, thách thức đã được dự báo trong thời gian tới như tình hình xung đột, cạnh tranh giữa các nước, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khối lượng công việc đặt ra ngày càng nhiều… Vì vậy, tỉnh phải tập trung, nỗ lực, quyết liệt và quyết tâm cao hơn nữa, mới hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm (2021-2025) và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Quý 1 vừa qua, tăng trưởng GRDP của tỉnh chỉ đạt 4,1%, thấp hơn với kịch bản đặt ra là 7,5%. Theo đó, tỉnh nỗ lực, quyết tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm nay, góp phần phấn đấu đạt kịch bản tăng trưởng năm nay là 9,5% và năm 2025 là 10,99%.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết từ nay đến cuối năm, tỉnh tập trung các động lực tăng trưởng như thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công gồm vốn trung hạn còn lại chưa giải ngân hơn 6.700 tỷ đồng và năm 2024 hơn 10.000 tỷ đồng. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để đưa vào sử dụng, góp phần tăng năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, cụ thể là tuyến đường ven biển, cảng Rạch Giá, đường 3/2 nối dài..., gắn với đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, xác định giá đất và giải pháp về nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu san lấp mặt bằng.
Tiếp đến, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tỉnh tập trung nâng chất lượng sản phẩm nông sản, gắn với liên kết tiêu thụ, chế biến xuất khẩu. Cụ thể là sản lượng lúa đạt 4,4 triệu tấn, tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao trên 90% tổng diện tích gieo trồng; khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn; trong đó, tôm nuôi 130.000 tấn.
Theo đó, tỉnh triển khai hiệu quả đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở 12 huyện, thành phố trong đất liền; đề án nuôi biển ở các huyện Kiên Hải, Kiên Lương và các địa phương có biển; đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ; đề án phát triển vùng cây ăn trái; đề án phát triển chăn nuôi bền vững; cơ cấu, sắp xếp là đội tàu đánh bắt trên ngư trường gắn với chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); đề án thuế môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, tập trung ở Phú Quốc, U Minh Thượng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; phòng chống, ứng phó với thiên tai bảo vệ an toàn cho sản xuất…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết tỉnh tăng cường theo dõi, dự báo tình hình mưa lũ, quản lý vận hành hệ thống cống kiểm soát, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất; chủ động giám sát dịch bệnh trên cây trồng, gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi để sản xuất an toàn, hiệu quả.
Tỉnh đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản ven biển, dưới tán rừng, ven đảo và xa khơi, tiếp tục mời gọi các tổ chức cá nhân có đủ năng lực đầu tư vào đề án nuôi biển, đặc biệt là hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nuôi biển của các doanh nghiệp, công ty như Công ty Cổ phần Tập đoàn thủy sản Mavin, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Australia Việt Nam, Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Bát Ngọc, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đức Trường để làm động lực cho phát triển nuôi biển của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), cụm công nghiệp Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao) và triển khai các cụm công nghiệp mới gắn với nguồn nguyên liệu ở huyện Giồng Riềng; triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến sâu về nông sản gắn với vùng nguyên liệu tại huyện Kiên Lương do Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đầu tư…
Tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Tỉnh tăng cường các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư để thúc đẩy giải ngân vốn các doanh nghiệp, triển khai nhanh các dự án, nhất là ở Phú Quốc, Hà Tiên và các dự án đã kêu gọi, ký kết ghi nhớ đầu tư…
Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh cho hay tỉnh tăng cường thu hút đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; hỗ trợ về thị trường tiêu thụ sản phẩm, thông tin về nhu cầu sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm đi các thị trường lớn… nhằm tạo sự ổn định và gia tăng nguồn thu cho các doanh nghiệp...
Song song với 2 lĩnh vực chủ lực là nông nghiệp và công nghiệp, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chú trọng các địa bàn du lịch trọng điểm như Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Hải, Rạch Giá, Hòn Đất và U Minh Thượng. Năm nay, ngành “công nghiệp không khói” Kiên Giang đặt mục tiêu đón 9,2 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, du lịch; trong đó, khách quốc tế 680.000 lượt khách; tổng doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu này, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho hay tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch, nhất là đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm đến các khu, điểm du lịch; có chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp du lịch, nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.
Riêng về khách quốc tế, tỉnh tích cực tìm kiếm các thị trường mới để khai thác, tăng cường kết nối hàng không cả trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch quốc tế. Tỉnh đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước gắn với thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, Sở Du lịch Kiên Giang phối hợp thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá, hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch tại các thị trường trọng điểm du lịch trong và ngoài nước như: Ấn Độ, Vương quốc Anh, Thành phố Hồ Chí Minh, Lào Cai…; triển khai chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với các tỉnh miền Trung và thành phố Hà Nội năm nay.
Sở Du lịch Kiên Giang phối hợp tổ chức đón, tiếp các đoàn Famtrip (du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị), Presstrip (chương trình được tổ chức bởi các doanh nghiệp hoặc tổ chức du lịch với mục đích mời các nhà báo, phóng viên, blogger, hoặc người có ảnh hưởng trong ngành truyền thông tham gia) trong và ngoài nước đến Kiên Giang khảo sát, tham quan và trải nghiệm, qua đó quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch Kiên Giang đến du khách.
Cùng với lĩnh vực kinh tế, tỉnh đẩy mạnh phát triển mạnh các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; chú trọng đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc quyết định kế hoạch, mục tiêu của cả nhiệm kỳ, tỉnh bám sát thực hiện quyết liệt kịch bản tăng trưởng năm nay đạt các mục tiêu để tạo cơ sở, nền tảng vững chắc thực hiện kịch bản năm 2025 là 10,99%.
Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố trên cơ sở kịch bản của tỉnh cụ thể hóa thành kế hoạch của đơn vị, địa phương gắn với phân công nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể triển khai thực hiện. Đồng thời, quyết tâm, quyết liệt nêu cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong triển khai thực hiện, chỉ đạo có trọng tâm trọng điểm, xác định đúng thời điểm để tăng tốc phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra./.