Kiên Lương: Bảo tồn nghề làm cá khô và tôm khô truyền thống

Nghề làm cá khô và tôm khô truyền thống ở thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) gắn bó với người dân địa phương qua nhiều thập kỷ và được giữ vững đến nay, không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của người dân mà còn bảo tồn nghề truyền thống.

GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM

Đồng chí Nguyễn Trọng Lâm - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Kiên Lương cho biết, hiện trên địa bàn thị trấn duy trì khoảng 5 cơ sở chế biến, kinh doanh tôm khô, tập trung ở khu phố Xà Ngách và 25 cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm khô các loại tập trung trên địa bàn các khu phố Ba Hòn, Hòa Lập và Kiên Tân. Đây là cơ sở của các hộ gia đình, duy trì nghề này từ nhiều năm nay. “Các cơ sở này góp phần giải quyết việc làm, mang lại thu nhập tương đối cao cho hàng trăm lao động, ổn định an ninh, trật tự địa phương”, đồng chí Nguyễn Trọng Lâm nói.

Anh Hồ Văn Trung - chủ doanh nghiệp sản xuất, chế biến tôm khô Công Anh, ngụ khu phố Ba Hòn cho biết cơ sở của anh phát triển xuất phát từ truyền thống gia đình. Mỗi ngày 40 nhân công có mặt tại cơ sở thực hiện các công đoạn như rửa tôm tươi, luộc tôm, phơi tôm, sấy tôm, sàng vỏ để tạo ra tôm khô thành phẩm đỏ tươi, chắc thịt, ngọt.

Theo anh Trung, nguyên liệu tôm để chế biến tôm khô chủ yếu là tôm tươi được thu mua từ các ghe đánh bắt ở vùng biển Kiên Lương. Do sống ở vùng biển cát trắng nên con tôm Kiên Lương thịt rất trắng, có vị ngọt tự nhiên. Trung bình hàng năm cơ sở chế biến tôm khô Công Anh chế biến khoảng 500 tấn tôm khô, cung ứng cho các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước. “Công việc này tuy vất vả nhưng đem lại thu nhập khá cho tôi và nhiều người khác. Tính riêng người làm công cũng có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng”, anh Trung cho biết.

Chị Nguyễn Thúy Diễm - chủ cơ sở cá khô Diễm Hào, khu phố Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương) tranh thủ đặng nắng để phơi khô nhằm duy trì chất lượng khô.

Chị Nguyễn Thúy Diễm - chủ cơ sở cá khô Diễm Hào, khu phố Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương (Kiên Lương) tranh thủ đặng nắng để phơi khô nhằm duy trì chất lượng khô.

Nằm ngay khu phố Ba Hòn sầm uất, nhộn nhịp tàu, ghe neo đậu, ra vào cửa biển là cơ sở chế biến cá khô Diễm Hào do chị Nguyễn Thúy Diễm làm chủ. Chị Diễm là con dâu của gia đình có truyền thống chế biến khô cha truyền con nối trên 30 năm nay. Hàng năm cơ sở của chị chế biến hàng chục tấn cá biển, cho ra thị trường hơn 10 tấn cá khô các loại. Chị Diễm chia sẻ: “Gia đình có ghe đi đánh bắt thủy sản, cùng với cơ sở thu mua cá từ các tàu đánh bắt khác nên cơ sở của tôi luôn duy trì nguồn nguyên liệu đầu vào chế biến cá khô chất lượng và ổn định”. Cũng từ việc có nguồn nguyên liệu dồi dào nên cơ sở chế biến cá khô của chị duy trì hoạt động thường xuyên, tạo việc làm cho 20 lao động, thu nhập 18 triệu đồng/tháng. “Thời gian tới, cơ sở của gia đình sẽ mở rộng, duy trì sản xuất kể cả trong mùa mưa”, chị Diễm cho biết.

Chị Trần Thị Tám - chủ cơ sở sản xuất tôm khô Trần Thị Tám, khu phố Ba Hòn cho biết, hiện giá bán sỉ tôm khô dao động từ 240.000-800.000 đồng/ký tùy kích cỡ. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng/tháng. Dịp Tết Nguyên đán, nguồn tôm khô của cơ sở thường không đủ cung vì nhu cầu thị trường tăng. Đây là động lực để chị Tám duy trì và tiếp nối nghề làm tôm khô truyền thống từ cha mẹ. Cơ sở của chị hiện tạo việc làm cho gần 20 lao động nhàn rỗi ở địa phương, thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Cơ sở đã trang bị máy sấy, máy đập vỏ, máy sàng vỏ để tiết kiệm chi phí nhân công và thời gian chế biến sản phẩm. Chị Tám cho biết, bình quân một tháng cơ sở sản xuất khoảng 5 tấn tôm khô các loại, bỏ mối cho các thành phố Hà Tiên, Phú Quốc, TP. Hồ Chí Minh và nước bạn Campuchia.

CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

Theo nhiều chủ cơ sở chế biến tôm khô và cá khô ở thị trấn Kiên Lương, để duy trì và phát triển thương hiệu, sản phẩm cần đảm bảo chất lượng, chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chị Nguyễn Thúy Diễm khẳng định: “Không chỉ riêng cơ sở của tôi mà nhiều người làm khô ở thị trấn Kiên Lương luôn chú trọng chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm gia đình làm ra không tẩm ướp hóa chất, chỉ thêm gia vị như muối, tiêu, đường, bột ngọt…, từ đó duy trì hương vị đậm đà trong từng thớ thịt khô”.

Chị Nguyễn Thúy Diễm, chủ cơ sở cá khô Diễm Hào, khu phố Ba Hòn, thị trấn Kiên Lương bán khô cho khách.

Nghề làm tôm khô và chế biến sản phẩm phẩm khô ở Kiên Lương đã có từ lâu đời. Theo nhiều người dân cố cựu ở thị trấn Kiên Lương, nghề làm tôm khô và sản phẩm cá khô xuất hiện không chỉ ở thị trấn Kiên Lương mà còn ở các xã Dương Hòa, Bình An, Bình Trị, Sơn Hải, Hòn Nghệ từ khoảng năm 1960 đến nay. Nghề làm tôm khô và chế biến cá khô là nét văn hóa của cư dân miền biển Kiên Lương. Mới đây, nghề làm tôm khô tại huyện Kiên Lương được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là một trong 11 nghề truyền thống tại Quyết định số 2971/QĐ-UBND, ngày 2-12-2021 về việc công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống năm 2021 tại 8 huyện gồm Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Gò Quao, Vĩnh Thuận, Kiên Hải, An Minh và TP. Hà Tiên.

Thời gian qua, Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương kết hợp với Chi cục Phát triển nông nghiệp nông thôn hỗ trợ người dân một số máy móc để sản xuất như máy sấy, tủ đông, máy hút chân không. Đồng chí Trần Bình Trọng - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương cho biết, thời gian tới, huyện hướng đến thành lập hợp tác xã chế biến tôm khô ở khu phố Xà Ngách, cùng với đó phát triển nhãn hiệu tập thể cho con tôm Kiên Lương, từng bước đưa sản phẩm vào chương trình OCOP.

Bài và ảnh: LÊ VINH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/kien-luong-bao-ton-nghe-lam-ca-kho-va-tom-kho-truyen-thong-8391.html