Kiến nghị bổ sung xử phạt vi phạm trong lưu trữ
Ngày 21-12, UBND TPHCM tiếp đoàn công tác Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát phục vụ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm Trưởng đoàn khảo sát. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu chủ trì buổi làm việc.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, hiện nay thành phố có 1.187 nhân sự làm công tác lưu trữ, đang bảo quản hơn 214.900 mét giá tài liệu; phục vụ khai thác sử dụng tài liệu trên 30.000 lượt/năm; thực hiện đề nghị thẩm định tiêu hủy tài liệu hết giá trị khoảng 5.000 mét giá tài liệu/năm.
Năm 2021, UBND TPHCM có Quyết định số 3760/QĐ-UBND về ban hành quy chế quản lý, sử dụng Hệ thống quản lý tài liệu điện tử tại TPHCM; Quyết định số 3079/QĐ-UBND năm 2022 về ban hành mã định danh điện tử áp dụng cho các cơ quan, đơn vị tại TPHCM.
TPHCM đã triển khai liên thông kết nối hơn 1.100 đơn vị trên địa bàn thành phố, trong đó, đạt 100% các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn tham gia các văn bản khi phát hành đều đã ứng dụng ký số và vận hành trên môi trường mạng. Tính đến 31-8-2023, TPHCM đã gửi, nhận trên 15 triệu hồ sơ qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu thành phố.
Hiện nay, thành phố đang triển khai nền tảng số hóa, dự kiến hướng dẫn các đơn vị sử dụng, khai thác dữ liệu trong quý I-2024.
Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận những ưu điểm và hạn chế TPHCM đang triển khai, được quy định trong Luật Lưu trữ. Trong đó, tập trung một số khó khăn như: Nhân sự tại một số cơ quan, tổ chức còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ; cơ sở vật chất và kinh phí đầu tư cho công tác lưu trữ còn ít; khối lượng hồ sơ, tài liệu tồn đọng chưa chỉnh lý còn lớn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tra tìm tài liệu lưu trữ tại nhiều cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đạt yêu cầu, chưa được thống nhất...
Đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, ngay sau khi Luật Lưu trữ có hiệu lực thi hành, UBND TP đã chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch triển khai thi hành và tuyên truyền, phổ biến. Đồng chí nhấn mạnh, TPHCM luôn quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện để việc thực hiện công tác lưu trữ trên địa bàn thành phố đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, do còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ, UBND TPHCM đề xuất cần quy định chi tiết hơn các nội dung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; thống nhất về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ.
Theo đồng chí Ngô Minh Châu, UBND TPHCM cũng kiến nghị trong điều chỉnh, sửa đổi Luật Lưu trữ, cần bổ sung chế tài, xử phạt vi phạm pháp luật trong công tác lưu trữ.
Đoàn khảo sát ghi nhận các ý kiến, đề xuất của sở, ban, ngành, quận, huyện thuộc TPHCM tại buổi làm việc, để báo cáo Quốc hội nghiên cứu trong công tác xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đánh giá cao công tác lưu trữ, số hóa hồ sơ của UBND TPHCM; đồng thời đề nghị TPHCM đẩy mạnh hơn nữa và đi đầu trong công tác lưu trữ điện tử.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kien-nghi-bo-sung-xu-phat-vi-pham-trong-luu-tru-post719312.html