Kiến nghị cấm xe khách vào trung tâm TPHCM: Sẽ xóa được 'xe dù bến cóc', giảm ùn tắc

Trước kiến nghị cấm xe khách vào trung tâm thành phố (TP) của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM, nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh đề xuất này.

Bát nháo bến xe "dã chiến" ở khu Chợ Lớn

Dưới chân tòa cao ốc Thuận Kiều ở đường Hồng Bàng (Q5), từ lâu đã trở thành điểm "cát cứ" của nhiều nhà xe chạy tuyến TPHCM đi các tỉnh miền Tây Nam bộ. Dù trên đường Hồng Bàng, Sở GTVT đã tổ chức cắm biển báo cấm "đậu" hoặc cấm "dừng - đậu" nhằm hạn chế nạn "xe dù”, xe hợp đồng trá hình xe khách chạy tuyến cố định. Nhưng thực tế, các nhà xe vẫn bỏ ngoài tầm mắt, phớt lờ quy định.

Trưa 10-8, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM ghi nhận xe khách BS: 51B-265... của nhà xe Quốc H. sau nhiều giờ đồng hồ liên tục án ngữ dưới chân tòa cao ốc Thuận Kiều mới bắt đầu nổ máy rời đi. Xe khách chậm chạp di chuyển trên đường Hồng Bàng nêm kín người trước khi rẽ vào đường Lương Nhữ Học, hướng về điểm tập kết khách của doanh nghiệp này trước số 45 đường Phạm Hữu Chí (P12Q5).

Dù tuyến đường Phạm Hữu Chí có biển báo cấm "dừng, đỗ” với xe khách nhưng doanh nghiệp này vẫn thản nhiên cho xe đậu dưới lòng đường, ung dung đón khách và xếp hàng hóa lên xe hàng chục phút. Thay vì đăng ký bến bãi hoạt động, doanh nghiệp này đã chiếm dụng luôn khoảng không trước điểm bán vé để thực hiện tập kết hàng hóa và đón, trả khách như một bến xe dã chiến.

Hàng dài xe khách đậu trên đường Nguyễn Trãi (Q5) dù nơi đây đã có bảng cấm đậu do Sở GTVT gắn

Hàng dài xe khách đậu trên đường Nguyễn Trãi (Q5) dù nơi đây đã có bảng cấm đậu do Sở GTVT gắn

Không chỉ ghi nhận có hiện tượng đậu, đỗ và rước khách không đúng nơi quy định đối với nhà xe Quốc H., phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM còn bắt gặp nhiều hình ảnh bát nháo khác trên đường do những nhà xe khác gây ra. Nhiều xe dù danh nghĩa là xe hợp đồng nhưng lại khoác lên mình vỏ bọc xe khách chuyên nghiệp. Họ tự tổ chức bán vé, tự thiết lập tuyến cố định rồi nghiễm nhiên chiếm dụng khoảng không xung quanh văn phòng, địa điểm bán vé để đón, trả khách hệt như một bến xe thực thụ.

Việc chiếm dụng trái phép này khiến nhiều tuyến đường ở khu Chợ Lớn luôn trong tình trạng không có vỉa hè, việc đi lại của người dân gặp khó khăn vì xe khách luôn đậu dài gây mất trật tự an toàn giao thông. Có mặt trên đường Hồng Bàng (đoạn qua cao ốc Thuận Kiều) trong những ngày đầu tháng 8-2022, không khó để ống kính phóng viên ghi lại cảnh những hàng dài xe khách của các hãng Quốc H., Hùng C. thay phiên nhau chiếm dụng lòng đường làm bãi đậu xe.

Để đối phó với hệ thống biển báo "cấm đậu" được lắp đặt trên tuyến đường Hồng Bàng, cánh tài xế (TX) đã bật đèn khẩn cấp rồi vô tư đậu, đỗ hàng giờ chờ đón khách. Tình trạng tương tự cũng được phóng viên ghi nhận trên đường Hùng Vương (đoạn gần với Bệnh viện 30-4 ở Q5). Sáng 10-8, chúng tôi đếm được hơn 10 chiếc xe khách đủ chủng loại thay phiên nhau bật đèn khẩn cấp rồi ung dung đậu dài dưới lòng đường. Ngoài ra, khu vực công viên mũi tàu đường Nguyễn Trãi - An Bình (P7Q5) có quy định cấm đậu nhưng các TX vẫn ngó lơ và cho xe đậu vô tư.

Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, địa phương có điểm đón trả khách núp bóng xe hợp đồng nhiều nhất TP thuộc về Q5 với gần 50 địa điểm. Hai khu vực được xem là "thủ phủ” của các hãng xe khách núp bóng xe hợp đồng là đường Tản Đà và các trục đường xung quanh Công viên Hòa Bình (P9). Chính tình trạng xe khách hoạt động bát nháo, không tuân theo bất kỳ một luật định nào khiến giao thông luôn rối ren. Nhiều tuyến đường nội bộ của các khu dân cư, chung cư có mảng xanh, khoảng không vui chơi đều bị chiếm dụng làm điểm đón, trả khách gây nhiều bức xúc cho người dân.

Cả 2 chiếc xe của cùng một hãng nhiều thời điểm chạy song song, gần như choán hết phần đường của các phương tiện còn lại

Cả 2 chiếc xe của cùng một hãng nhiều thời điểm chạy song song, gần như choán hết phần đường của các phương tiện còn lại

Ra đường là gặp xe khách

Sau xe tải nặng, đến lượt nhóm xe ô tô chở người cỡ lớn tiếp tục rơi vào danh sách hạn chế di chuyển với mục đích được đặt ra là kéo giảm ùn tắc giao thông ngày một nghiêm trọng trong những năm gần đây. Với số lượng nhà xe, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách khá đông khiến giao thông đô thị ở TPHCM gánh chịu áp lực cực kỳ lớn. Tại TP, bất kể giờ nào bước ra đường, không khó để phát hiện những chiếc xe khách với đủ kiểu dáng, chủng loại thay nhau nối đuôi trên đường. Thậm chí, cùng vào một khung giờ, trên cùng một tuyến đường, phóng viên ghi nhận một nhà xe có tới 2 xe cùng chạy.

Đơn cử vào sáng 11-8, phóng viên ghi nhận xe khách của nhà xe Kim M. H. BS: 50F-004... hướng từ xa lộ Hà Nội tiến về khu vực trung tâm TPHCM. Chiếc xe vừa về tới vòng xoay Điện Biên Phủ thì TX nhanh chóng mở đèn xi nhan, định trả khách trước cửa một nhà hàng đồ ăn nhanh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một tổ công tác CSGT buộc TX chạy thẳng đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi tấp vội vào lề trả khách. Sau đó, chiếc xe tiếp tục rẽ vào đường Nguyễn Đình Chiểu rồi nhanh chóng ghép cặp với một xe khách cùng hãng BS: 50F-003... chạy song song, bịt kín đường lên của dòng phương tiện ngay sau lưng. Trước khi cập bến ở đường Nguyễn Duy Dương (Q5), phóng viên ghi nhận hàng chục lần đón, trả khách không đúng nơi quy định của 2 chiếc xe này.

Nhiều xe khách dùng chiêu bật đèn ưu tiên rồi thản nhiên đậu đỗ liên tục hàng giờ đồng hồ trên đường Hồng Bàng nhằm né bảng cấm đậu do Sở GTVT quy định

Nhiều xe khách dùng chiêu bật đèn ưu tiên rồi thản nhiên đậu đỗ liên tục hàng giờ đồng hồ trên đường Hồng Bàng nhằm né bảng cấm đậu do Sở GTVT quy định

Ghi nhận trên tuyến đường Điện Biên Phủ (đoạn từ cầu Sài Gòn hướng về vòng xoay Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) có hàng chục nhà xe tự phát, mở các điểm kinh doanh 2 bên đường rồi ngang nhiên chiếm dụng lòng đường, vỉa hè thành... "của riêng". Một số nhà xe này gần như chiếm trọn trạm xe buýt trên đường Ðiện Biên Phủ (hướng vào trung tâm TPHCM) làm nơi đón - trả khách và xuống hàng, gây khó khăn cho người đi đường.

Còn tại khu vực đường Nguyễn Cư Trinh (Q1), chỉ trong một giờ đồng hồ có mặt, phóng viên bắt gặp hàng chục lượt xe khách qua lại để đón, trả khách ở trước các điểm bán vé.

Cấm xe khách sẽ vãn hồi tình hình?

Trước TPHCM, nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước đã chính thức áp dụng quy định hạn chế vào trung tâm TP đối với nhóm xe khách. Trung bình mỗi năm số lượng phương tiện tại TPHCM tăng trên 8%, trong khi đó tốc độ đáp ứng về hạ tầng hằng năm rất hạn chế, khoảng 2%/năm. Điều này khiến tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường trung tâm cũng như các tuyến đường kết nối.

Việc hạn chế xe khách vào trung tâm TPHCM được kỳ vọng sẽ giúp TP từng bước cải thiện tình trạng giao thông cũng như triệt để xử lý nạn "xe dù, bến cóc" nở rộ suốt thời gian dài. Tuy nhiên, bên cạnh việc cấm xe khách vào nội đô, TPHCM cũng cần lưu ý câu chuyện phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, giải quyết câu chuyện trung chuyển, đi lại cho người dân bằng những xe cỡ nhỏ, xe buýt, metro... khi bến xe dần dịch chuyển ra xa trung tâm TPHCM hoặc đối với những bến xe hiện hữu như: bến xe Miền Đông mới, bến xe Miền Tây.

Thế nhưng, hệ thống giao thông công cộng của TP đang được đánh giá chưa phát triển đồng bộ, tương xứng với vị thế của một đầu tàu về kinh tế của cả nước khiến nhiều người lo lắng, việc hạn chế xe khách nếu được thực hiện ngay trong năm nay thì khó lòng đáp ứng được nhu cầu của người dân, khi đi xe khách về tới bến nhưng thiếu lựa chọn để di chuyển tới những địa điểm người dân mong muốn.

Trong khi đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt chính thức thì các cấp quản lý cần tìm thêm nhiều giải pháp, kể cả giải pháp phát triển hạ tầng hay bổ sung phương tiện hỗ trợ giao thông. Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề gây ảnh hưởng ùn tắc không phải cấm đoán là có thể giải quyết. Đây là câu chuyện về tổ chức quy hoạch toàn diện TP, tránh gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhu cầu đi lại của người dân, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Các phương án đề xuất của Sở GTVT

Theo phương án 1, từ năm 2022 - 2025, TP sẽ hạn chế các loại xe khách giường nằm lưu thông vào khu vực nội đô từ 6 - 22 giờ hằng ngày; giai đoạn 2 từ năm 2025 - 2030 hạn chế tiếp các loại xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi TP ban hành).

Khu vực hạn chế được giới hạn theo hành lang của Quyết định 23/2018/QĐ-UBND. Theo đó, các loại phương tiện này chỉ được phép di chuyển theo lộ trình QL1 (TP.Thủ Đức, Q12, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh) - Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh, Q7) - Võ Chí Công (TP.Thủ Đức) - Đồng Văn Cống (TP.Thủ Đức) - Mai Chí Thọ (TP.Thủ Đức) - Xa lộ Hà Nội (TP.Thủ Đức).

Với phương án 2, khung giờ cấm và hành lang hạn chế tương tự phương án 1, song đối tượng hạn chế là xe khách trên 16 chỗ. Loại hình này sẽ bị giới hạn bởi các tuyến cửa ngõ QL1 ở hướng Bắc và Tây; xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống ở hướng Đông; hướng Nam là đường Võ Chí Công - cầu Phú Mỹ - đường trên cao - Nguyễn Văn Linh.

Đức Nam

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/giao-thong-24h/co-xoa-duoc-xe-du-ben-coc-va-giam-un-tac_135470.html