Kiến nghị Chính phủ tháo gỡ hàng loạt vướng mắc cho tuyến metro số 1

Ban Quản lý Đường sắt đô thị (gọi tắt là BQL) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa có văn bản 1476 gửi Sở Ngoại vụ Thành phố lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Ngoại giao về đề xuất biện pháp giải quyết các vướng mắc liên quan nhằm đưa dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào vận hành.

Theo đó, về các vướng mắc liên quan công tác điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, BQL kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép tiếp tục tiến hành thanh toán các khối lượng công việc thực hiện trong năm 2024 song song với quá trình hoàn thành điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đồng thời, kiến nghị UBND Thành phố có ý kiến với Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan TP.HCM tiếp tục gia hạn danh mục hàng hóa nhập khẩu để thúc đẩy tiến độ dự án.

Nơi đỗ các tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). (Ảnh: Minh Tuấn)

Nơi đỗ các tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). (Ảnh: Minh Tuấn)

Về các vấn đề liên quan đến nhà thầu Hitachi tại gói thầu CP3, BQL kiến nghị UBND Thành phố đề xuất Thủ tướng Chính phủ trao đổi với Thủ tướng Nhật Bản về việc cho phép các cơ quan Chính phủ, Bộ ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, nhà tài trợ JICA quan tâm, hỗ trợ có những báo cáo với các cấp chính quyền của Chính phủ Nhật Bản; đồng thời có các trao đổi, tác động với các nhà thầu Nhật Bản (đặc biệt là nhà thầu Hitachi) không vì các vấn đề tiểu tiết trên công trường mà lấy đó làm lý do để chậm trễ thi công, hoàn thành công việc và hoàn thành thử nghiệm để dự án có thể hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại sớm, trở thành một công trình biểu tượng kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Trong khi đó, đối với việc giải quyết tranh chấp hợp đồng với các nhà thầu thuộc dự án, BQL đề xuất UBND Thành phố đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có tác động với các cơ quan Chính phủ, Bộ ngoại giao, nhà tài trợ JICA quan tâm, hỗ trợ có những động thái khuyến khích các nhà thầu rút hoặc tạm dừng khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài quốc tế để tập trung công tác hòa giải thương mại với chủ đầu tư của dự án.

Theo BQL, hiện nay thời gian thi công của dự án đang được UBND TP.HCM đề nghị điều chỉnh từ “cuối quý IV/2023” thành “thời gian hoàn thành thi công dự án và đưa vào vận hành thương mại trong năm 2024” gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Về tiến độ, đến nay khối lượng thực hiện của toàn dự án đạt khoảng 98,10%; dự án có 4 hiệp định vay đã ký kết, trong đó hiệp định vay VNXIV-3 và VN11-P7 đã hết hạn, hiệp định VN15-P5 còn hiệu lực (giải ngân đến năm 2026), hiệp định VN22-P1 ký kết ngày 29/12/2023 (giải ngân đến năm 2034).

Tuyến metro số 1 đoạn đi trên cao. (Ảnh: BLQ Đường sắt đô thị TP.HCM)

Tuyến metro số 1 đoạn đi trên cao. (Ảnh: BLQ Đường sắt đô thị TP.HCM)

Để đưa dự án vào khai thác, vận hành khai thác thương mại, chủ đầu tư của dự án cần phải tiếp tục thực hiện các công tác như nghiệm thu hoàn thành; đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống; bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng, thực hiện các thủ tục kết thúc dự án.

Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối của dự án vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu liên quan đến đào tạo, chạy thử, vận hành; đề xuất dự thảo và tiến đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng 5 năm cho công tác vận hành và bảo dưỡng; những điều kiện, đòi hỏi của nhà thầu Hitachi; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; thỏa thuận vay VN22-P1.

Đáng chú ý là khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp của các nhà thầu khi có 3 vụ kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu chính với 300 khiếu nại có tổng giá trị khiếu nại khoảng hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh (hơn 43.757 tỷ đồng). Trong đó, riêng nhà thầu Hitachi đã đơn phương yêu cầu các chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án với chi phí gần 4.000 tỷ đồng.

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, UBND TP.HCM đã thành lập Tổ công tác rà soát và giải quyết các khó khăn vướng mắc của dự án do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường và Phó Đại sứ Nhật Bản Shige Wantanabe đồng Tổ trưởng. Hiện nay, UBND TP.HCM và chủ đầu tư đang tiếp tục tích cực làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản và Trụ sở chính của nhà thầu Hitachi tại Nhật Bản để thực hiện các giải pháp đề ra nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dự án metro số 1 do BQL Đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là nhà tài trợ. Về quy mô, dự án dài 19,7 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km); gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot; đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động... Tuyến mero số 1 đi qua địa bàn các quận: 1, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức (TP.HCM) và thành phố Dĩ An (Bình Dương), có tổng mức đầu tư đầu tư sau điều chỉnh là hơn 43.757 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA từ JICA là hơn 38.265 tỷ đồng (chiếm 87% tổng vốn đầu tư), còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/kien-nghi-chinh-phu-thao-go-hang-loat-vuong-mac-cho-tuyen-metro-so-1-171636.html