Kiến nghị chính sách giảm thuế phải thực sự đến tay người tiêu dùng chứ không bị giữ lại ở khâu trung gian

Đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần tăng cường cơ chế theo dõi, kiểm soát giá bán trên thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu nằm trong diện được giảm thuế để đảm bảo chính sách đúng mục tiêu là hỗ trợ người dân và kích cầu tiêu dùng.

Chiều 28/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến đồng tình việc giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng, ứng phó với biến động phức tạp của thương mại, kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Phát biểu mở đầu phiên họp, đại biểu Trần Thị Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, việc giảm thuế lần này đặc biệt có ý nghĩa, bởi thời gian tới sẽ tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tổ chức sắp xếp chính quyền 2 cấp và Ban chấp hành khóa mới cũng sẽ chính là người tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025-2030, “như một liều thuốc” kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, là sự động viên của Đảng và Nhà nước với người dân và doanh nghiệp khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đại biểu Trần Thị Khánh Thu phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Trần Thị Khánh Thu phát biểu tại hội trường.

Theo đại biểu, khi giảm thuế giá trị gia tăng thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ngay do được giảm giá mua hàng hóa, dịch vụ, cùng với đó khi mở rộng đối tượng giảm thuế lần này với nhóm đối tượng đầu vào của các doanh nghiệp thì những hàng hóa, nguyên liệu dùng trong quá trình sản xuất dẫn đến các chi phí giảm, sản xuất sẽ giảm. Như vậy sẽ giảm được giá thành sản phẩm, qua đó sẽ giảm giá bán và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, còn doanh nghiệp thì tăng được sức cạnh tranh mà mở rộng hoạt động.

Cho rằng việc hoàn thuế đang rất bức xúc trong doanh nghiệp, bởi vì lúc thu thì rất dễ nhưng lúc hoàn thuế thì rất khó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) đề nghị trách nhiệm này phải rất sòng phẳng về mặt luật pháp, tức là nếu chúng ta có một suy nghĩ gì hoặc có một nghi ngờ gì về chuyện trốn thuế thì phải đưa ra pháp luật, nếu ai thua thì người ấy phải chịu trách nhiệm. "Ví dụ như doanh nghiệp chậm nộp thuế giá trị gia tăng là bị phạt, vậy nếu người ta chứng minh được là người ta đúng mà cơ quan chức năng của nhà nước hoàn thuế muộn thì cũng phải trách nhiệm tương tự như thế" - đại biểu nêu.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu tại hội trường.

Cho rằng danh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế chưa cụ thể và khó tra cứu, khó áp dụng thống nhất, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh, các quy định hiện nay không gắn với hệ thống mã số hàng hóa do tổ chức hải quan thế giới quy định dẫn đến tình trạng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tra cứu, xác định đúng thuế suất, điều này cũng gây khó khăn cho cơ quan thuế trong kiểm tra, đối chiếu và xử lý. “Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần xem xét, công khai rõ ràng danh mục hàng hóa, dịch vụ được và không được giảm thuế theo hệ thống mã HS thống nhất, dễ tra cứu và công bố rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử” – đại biểu nêu. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành các hướng dẫn chi tiết sớm nhất, đồng thời cần có hướng dẫn riêng cho các giao dịch phát sinh trong thời gian chuyển tiếp, đặc biệt là trường hợp ký hợp đồng trước nhưng xuất hóa đơn sau.

Đai biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại hội trường.

Đai biểu Dương Tấn Quân phát biểu tại hội trường.

Đặc biệt, đại biểu đề nghị cần đảm bảo chính sách giảm thuế thực sự đến tay người tiêu dùng chứ không bị giữ lại ở khâu trung gian. “Trên thực tế, không ít trường hợp doanh nghiệp được giảm thuế đầu ra nhưng không giảm giá bán làm cho người tiêu dùng không được hưởng lợi từ chính sách, nếu không kiểm soát tốt thì chính sách giảm thuế có thể trở thành hình thức hỗ trợ không hiệu quả” – đại biểu nêu. Ông đề nghị Chính phủ cần tăng cường cơ chế theo dõi, kiểm soát giá bán trên thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu nằm trong diện được giảm thuế để đảm bảo chính sách đúng mục tiêu là hỗ trợ người dân và kích cầu tiêu dùng.

Lo ngại giảm thuế sẽ làm giảm ngân sách, ảnh hưởng đến chi tiêu, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá mang tính khoa học, “ví dụ mình cứ tăng giảm 1% VAT như này thì nó ảnh hưởng như thế nào đến GDP. Bởi vì Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trước đây cũng có nói, mỗi một lần giảm như thế này cũng giảm thuế thu ngân sách rất nhiều” – đại biểu nêu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình ý kiến đại biểu nêu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình ý kiến đại biểu nêu.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự kiến chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng thì sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm của 2025 là 39,54 nghìn tỷ và năm 2026 sẽ giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng. “Việc giảm thuế giá trị gia tăng đương nhiên có tác động đến giảm thu ngân sách nhưng đổi lại có tác động tích cực cho kích thích sản xuất và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, đồng thời thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế” – Bộ trưởng chia sẻ.

Đồng thời, Bộ trưởng cho biết thêm, Chính phủ và Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp để cố gắng có các chính sách tài khóa phù hợp, từ đó bù đắp cho khoản miễn giảm thuế này. Chính sách thuế này không phải là lần đầu tiên chúng ta làm, chúng ta đã làm trong nhiều kỳ và đều đem lại những kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế còn có những khó khăn và đặc biệt là các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực trong suốt giai đoạn dịch bệnh cũng như những năm sau - hậu dịch bệnh COVID-19.

Theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng được áp dụng và kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng nhằm thể chế hóa mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Dự thảo nghị quyết quy định phạm vi áp dụng gồm: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian áp dụng quy định tại khoản 1 điều này, từ 1/7/2025 đến hết 31/12/2026.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thoi-su/kien-nghi-chinh-sach-giam-thue-phai-thuc-su-den-tay-nguoi-tieu-dung-chu-khong-bi-giu-lai-o-khau-trung-gian-i769839/