Kiến nghị cơ chế đặc thù mang tính vượt trội cho Cần Thơ
Tại cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại biểu kiến nghị cần có cơ chế đặc thù mang tính vượt trội cho TP Cần Thơ.
Chiều 16-3, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ đã làm việc với cán bộ của TP Cần Thơ.
Tại đây có khoảng 200 đại biểu đại diện cho các sở, ban ngành của TP Cần Thơ.
Một số ý kiến đánh giá cao hoạt động của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn TP Cần Thơ trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đồng thời, một số đại biểu cũng đề nghị QH trong nhiệm kỳ tới tiếp tục nghiên cứu cải cách thêm trong hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số.
Đại biểu kiến nghị trung ương xây dựng cơ chế đặc thù có tính vượt trội cho TP Cần Thơ; điều chỉnh trần nợ công của TP cao hơn mức 40% như hiện nay, điều chỉnh tỉ lệ điều tiết về trung ương ở mức thấp hơn mức 9% như hiện nay. Cùng đó là chấp thuận cho TP được hưởng số thu từ các doanh nghiệp cổ phần hóa từ vốn nhà nước…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, QH nhiệm kỳ vừa qua luôn luôn có sự đổi mới qua từng kỳ họp.
“Chúng tôi còn đi trước về công nghệ số. QH diễn ra 4 kỳ họp không giấy tờ trừ công tác nhân sự và những vấn đề bí mật quốc phòng an ninh, còn lại chỉ làm trên máy” – bà Ngân thông tin.
Về kiến nghị xây dựng đặc thù cho Cần Thơ theo Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, bà Ngân đề nghị Cần Thơ cần chuẩn bị, với kinh nghiệm của các TP đã được QH ban hành nghị quyết về cơ chế đặc thù để xem với đặc điểm của TP cần mức đặc thù như thế nào…
Cũng theo bà Ngân, điều chỉnh mức trần nợ công, điều chỉnh tỉ lệ điều tiết thì địa phương xem xét lại để có đề nghị cụ thể. Tuy nhiên, tỉ lệ điều tiết còn phụ thuộc vào mức cân đối chung của ngân sách quốc gia. Việc điều chỉnh với điều kiện không làm ảnh hưởng đến mức cân đối chung của ngân sách quốc gia.
“Cổ phần hóa các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn TP trước đây do ngân sách TP đầu tư. Cái này tôi đã nói rất nhiều lần và tôi đề nghị Chính phủ là khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp của địa phương do ngân sách địa phương đầu tư thì tiền đó phải để lại ngân sách địa phương. Luật Ngân sách đã quy định như thế nhưng hiện nay lại đưa vào quỹ hỗ trợ, sắp xếp doanh nghiệp cổ phần hóa, đưa về trung ương. Cá nhân tôi đã phát biểu là phải xem xét lại. Tôi cho đề nghị này là đúng với bản chất của nó” – bà Ngân nói.
Cạnh đó, Chủ tịch QH cũng bày tỏ sự vui mừng chứng kiến sự phát triển đi lên của TP trong thời gian qua, từng bước khẳng định là trung tâm tài chính, thương mại, xuất khẩu… của vùng.
Đồng thời, bà Ngân cũng lưu ý một số vấn đề như về kinh tế xã hội của TP phát triển chưa đồng đều, chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế và thực sự chưa là trung tâm động lực của đồng bằng sông Cửu Long…
“TP phải ngồi lại để xem hiện nay TP đang yếu chỗ nào, kém ai chỗ nào để có giải pháp vươn lên, vượt qua được để khai thác tiềm năng lợi thế.
Để Cần Thơ là đô thị hạt nhân của vùng thì tất nhiên phải có cơ chế đặc thù nhưng chúng ta phải có sự đột phá về cơ sơ hạ tầng, đột phá về giải pháp. Có những cái thuộc trách nhiệm Chính phủ giúp cho TP Cần Thơ nhưng có những cái phải tự bản thân TP Cần Thơ khắc phục, vươn lên để tạo được sức lan tỏa” – Chủ tịch QH gửi gắm.