Kiến nghị công khai tổ chức, cá nhân vi phạm về chống lãng phí
Ủy ban TCNS của Quốc hội kiến nghị công khai trên các phương tiện thông tin danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình Thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) và tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm quy định.
Sáng nay 23/5, Quốc hội nghe các báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2022.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, mặc dù trong bối cảnh còn khó khăn, thách thức lớn, nước ta đã đạt được những kết quả rất tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Cơ quan thẩm tra là Ủy ban TCNS cũng đánh giá Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm nhiều hơn cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; chất lượng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được nâng lên.
Trong quản lý, sử dụng NSNN đã tiết kiệm được 53.896 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông cơ bản được khắc phục, tốc độ giải ngân cao hơn bình quân cả nước, tiết kiệm trên 8.546 tỷ đồng.
Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình giai đoạn 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1; xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả như Nhà máy điện Long Phú 1, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2...
Tuy vậy, cơ quan thẩm tra cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá, phân tích, làm rõ mối quan hệ, sự chuyển biến trong tổ chức thực hiện THTK, CLP với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức; chưa đánh giá đầy đủ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm.
“Cùng với việc các bộ, ngành, địa phương báo cáo không đúng thời hạn, không đầy đủ, thiếu định lượng; chưa khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội, đại biểu Quốc hội chỉ ra tại các kỳ báo cáo... gây khó khăn rất lớn cho việc tổng hợp, báo cáo kết quả THTK, CLP của Chính phủ” – Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh nói.
Tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình THTK, CLP chưa được khắc phục, diễn ra nhiều năm, cho thấy người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chưa coi trọng, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp với thời gian thực hiện chủ yếu trong năm 2022 và 2023 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ và các Bộ, ngành chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; dự báo, tính toán nhu cầu của một số chính sách chưa sát thực tế; triển khai một số chính sách chậm, kết quả không đạt như dự kiến.
Ông Lê Quang Mạnh cũng cho biêt, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước...
Cơ quan thẩm tra kiến nghị nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết tình trạng trên, trong đó nhấn mạnh: “Công khai trên các phương tiện thông tin danh sách các Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành Chương trình THTK, CLP năm 2022, 2023 và các tổ chức, cá nhân có hành vi lãng phí, vi phạm các quy định về THTK, CLP”./.