Kiến nghị của Bộ Công an từ vụ Vũ Huy Hoàng
Trong kết luận điều tra vụ án liên quan khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kiến nghị về công tác quản lý, điều hành hoạt động các doanh nghiệp nhà nước.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố các bị can liên quan đến sai phạm trong việc chuyển dịch quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM).
Ngoài cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an còn đề nghị truy tố nhiều bị can khác, trong đó có ông Nguyễn Hữu Tín (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM).
Thiệt hại, thất thoát 3.816 tỉ đồng
Kết luận điều tra của Bộ Công an nêu: Năm 2008, Tổng Công ty Sabeco (thuộc Bộ Công Thương) được UBND TP.HCM giao khu đất 6.080 m2 ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng để triển khai dự án tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng có tên Sài Gòn Mê Linh Tower, vốn đầu tư hơn 2.423 tỉ đồng.
Sau đó, Sabeco thành lập Công ty Sabeco Pearl (Sabeco góp 26%) cùng ba nhà đầu tư khác nhằm thực hiện dự án Sài Gòn Mê Linh Tower rồi tuyên bố thoái vốn vào năm 2016, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Đến nay, Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh đang đứng tên quyền sử dụng khu đất vàng này.
Các bị can đã làm quyền sử dụng khu đất bị dịch chuyển từ doanh nghiệp (DN) nhà nước sang DN tư nhân, gây hậu quả thiệt hại, thất thoát và lãng phí tính đến thời điểm khởi tố vụ án là 3.816 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, cựu bộ trưởng Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu Bộ Công Thương. Ông Hoàng cho rằng trách nhiệm chính thuộc về bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu thứ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp nhẹ (đang bị truy nã do bỏ trốn). Còn ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận hành vi ký quyết định cho thuê khu đất trên là trái với quy định của pháp luật nhưng không thừa nhận động cơ tư lợi.
Bị chi phối về mọi mặt bởi Bộ Công Thương
Trong kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng qua vụ án này, bộ thấy có những hạn chế, bất cập về các quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành hoạt động các DN nhà nước. Đó là những quy định liên quan đến mô hình tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước của Bộ Công Thương nói riêng và các bộ, ngành nói chung.
Theo đó, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước (bộ chủ quản) với bộ phận quản lý vốn nhà nước tại DN có vướng mắc, lúng túng trong việc phối hợp giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN. Mối quan hệ chỉ đạo, báo cáo, đề xuất giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với bộ phận quản lý vốn nhà nước còn mang nặng cơ chế hành chính xin-cho, không bám sát vào thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị chi phối bởi quyền lực của lãnh đạo bộ.
Theo CQĐT, bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco dù trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty thông qua chức danh quản trị, điều hành nhưng chịu sự chỉ đạo chi phối và quyết định gần như tuyệt đối về mọi mặt của Bộ Công Thương. Trong khi đó, lãnh đạo bộ và các đơn vị chuyên môn không trực tiếp bám sát được diễn biến tình hình hoạt động sản xuất của Sabeco…
Không chỉ từ vụ án này mà cuối năm 2019, từ những vụ án tương tự, Bộ Công an đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị rà soát, chấn chỉnh các quy định của pháp luật về sắp xếp, xử lý tài sản công. Ngày 17-1, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các cơ quan hữu quan yêu cầu thực hiện theo nội dung kiến nghị này.
Cần tách chức năng quản lý với chức năng đại diện
CQĐT cho rằng cần thiết phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện sở hữu nhà nước, xóa bỏ cấp hành chính trung gian phía trên can thiệp vào hoạt động của DN…
Bên cạnh đó, cần thiết phải xem xét sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc thoái vốn của các tổng công ty, tập đoàn (kể cả DN 100% vốn nhà nước hoặc dưới 100% vốn nhà nước và các công ty con, công ty cháu có vốn đầu tư của DN nhà nước và DN có vốn nhà nước). Qua đó phòng ngừa việc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật thực hiện hành vi thâu tóm, làm giá, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế đất nước và hoạt động bình thường của DN nhà nước.
Cạnh đó, CQĐT Bộ Công an nhận thấy hiện nay còn có sự buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, công sản. Mặt khác, các quy định pháp luật còn nhiều kẽ hở để các cá nhân lợi dụng, lách luật, từng bước chuyển dịch quyền sở hữu tài sản công thành tài sản của DN tư nhân.
Hai tội danh liên quan trong vụ đất vàng
Trong vụ dịch chuyển quyền sử dụng khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM), Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị truy tố ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Bộ Công Thương và ông Phan Chí Dũng, cựu vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), tội vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng vụ này, CQĐT đề nghị truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai đối với các bị can sau: Nguyễn Hữu Tín (cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM), Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), Trương Văn Út (cựu phó trưởng Phòng quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM), Lê Văn Thanh (cựu phó chánh Văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Thanh Chương (cựu trưởng Phòng đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM), Nguyễn Lan Châu (cựu chuyên viên Phòng quản lý đất, Sở TN&MT TP.HCM), Lâm Nguyên Khôi (cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT), Nguyễn Quang Minh (cựu trưởng Phòng hạ tầng, Sở KH&ĐT TP.HCM).
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/kien-nghi-cua-bo-cong-an-tu-vu-vu-huy-hoang-924173.html