Kiến nghị để các Đại học đa lĩnh vực trở thành những 'quả đấm thép'
Nhà nước cần tạo điều kiện cho các Đại học đa lĩnh vực phát huy được tối đa sức mệnh tổng hợp của mình, trở thành những quả đấm thép của giáo dục Đại học.
Đó là kiến nghị của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tại tọa đàm khoa học:
“Đổi mới tư duy phát triển giáo dục Đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” do Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông phối hợp với Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức tại Phú Yên ngày 21/7.
Đại học đa lĩnh vực chưa mạnh
Ở nước ta, các đại học đa lĩnh vực ra đời từ đầu thập kỷ 90, dựa trên Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành TW khóa 7 (1993).
Tất cả các đại học này đều được hình thành chủ yếu bằng cách gom và tổ chức lại các cơ sở giáo dục đại học có trên cùng một địa bàn.
Hiện cả nước có 5 đại học đa lĩnh vực gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế.
“Đây là một chủ trương đúng, giúp chúng ta có được những cơ sở giáo dục đại học mạnh, đa năng. Tuy nhiên, đã hơn 20 qua đi nhưng các đại học của chúng ta vẫn chưa thực sự mạnh.
Có ý kiến cho rằng, ở các đại này tầng trên đại học là thừa, gây cản trở đến hoạt động của các trường đại học thành viên. Thậm chí còn có đề xuất cực đoan đòi giải thể các đại học đa lĩnh vực”.
Theo Tiến sĩ Khuyến, có hai nguyên nhân làm cho các đại học đa lĩnh vực chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực là do:
Các đại học đa lĩnh vực chưa phải là một chỉnh thể thống nhất (đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo) mà chúng chỉ vận hành dưới dạng của một “tập đoàn đại học” hay chính xác hơn là một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.
Thứ hai, về mặt pháp lý các trường đại học thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc và vô hiệu hóa các đại học đa lĩnh vực này.
5 kiến nghị
Tiến sĩ Khuyến cho rằng, để các đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam thì nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để phát huy được tối đa sức mạnh của đại học đa lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Khuyến đưa ra 5 kiến nghị như sau:
Thứ nhất, trong các luật về giáo dục đều khẳng định có ba loại cơ sở giáo dục đại học (University), học viện (Academy/Institute) và trường đại học (College) nhưng không định nghĩa rõ các loại hình này như ở luật giáo dục ở nhiều quốc gia.
Theo quy định của Bộ Giáo dục thì danh hiệu “đại học” mới chỉ được đặt cho 5 cơ sở, trong đó có 2 đại học quốc gia và ba đại học vùng.
Trong khi còn hàng loạt các cơ sở giáo dục đại học khác như: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Tây Nguyên… mặc dù mang tính chất đa lĩnh vực rất rõ ràng nhưng lại không được mang danh hiệu này.
Đây là điều vô lý và không công bằng. Nhà nước cần quy định cụ thể các tiêu chí của loại hình đại học và nếu trường nào đạt được các tiêu chí đó thì đương nhiên được mang danh hiệu “đại học”.
Thứ hai, nhà nước hiện đang chủ trương khuyến khích tự chủ đại học. Theo thông lệ chung của thế giới thì các đại học đa lĩnh vực phải là những cơ sở giáo dục đại học được trao quyền tự chủ sớm nhất.
Tuy nhiên, ở Việt Nam cho tới nay cả 5 đại học đa lĩnh vực đều không có tên trong danh sách 24 trường đại học tự chủ của Việt Nam. Điều này quá vô lý nên nhà nước cần sớm khẳng định quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học này.
Thứ ba, việc trao quyền tự chủ cho các đại học đa lĩnh vực nói riêng và các trường đại học nói chúng phải đi cùng với việc xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản” như đã chỉ ra ở Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới căn bản toàn và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam 2006-2020.
Một khi bỏ được cơ chế “bộ chủ quản” và trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các đại học đa lĩnh vực thì các trường thành viên sẽ xóa được ấn tượng về “hai cấp bộ chủ quản” gây khó cho hoạt động của họ.
Thứ tư, nhà nước cần sớm phê chuẩn quy chế về tổ chức và hoạt động riêng cho từng đại học đa lĩnh vực.
Trong các quy chế này cần thể hiện rõ ràng quyền tự chủ toàn diện của đại học đa lĩnh vực, cần khẳng định tính toàn vẹn, thống nhất của đại học đa lĩnh vực trên mọi mặt. Đặc biệt là trong hoạt động đào tạo.
Bộ giáo dục cần rút quan điểm sai lầm xem các trường thành viên trong đại học đa lĩnh vực có tư cách đầy đủ như một trường đại học độc lập.
Thứ năm, vấn 3 hay 4 cấp quản lý trong mô hình tổ chức đào tạo của một đại học đa lĩnh vực cần được nhà nước quy định cụ thể và tùy thuộc vào các điều kiện như: chế độ phân cấp tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, thực hiện đào tạo đại học theo diện rộng hay diện hẹp…