Kiến nghị dừng dạy kiến thức THPT trong trường nghề: Khó chồng khó
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa trình Chính phủ về việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT (chương trình văn hóa) từ khóa tuyển sinh năm 2022 phải phối hợp với trung tâm GDTX để thực hiện.
Không được dạy văn hóa
Bộ GDĐT cho biết, theo quy định hiện hành, chương trình GDTX cấp THPT được tổ chức giảng dạy tại các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX.
Để thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo việc thực hiện chương trình GDTX cấp THPT theo hướng: Đối với những cơ sở GDNN đã tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở về trước, hiện đang tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT thì cho phép các cơ sở GDNN này tiếp tục tổ chức dạy học chương trình GDTX cấp THPT; yêu cầu các cơ sở GDNN thực hiện đúng chương trình GDTX theo quy định của Bộ GDĐT, bảo đảm về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất và các điều kiện khác để thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả chương trình GDTX cấp THPT.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang xây dựng thông tư ban hành chương trình GDTX cấp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đảm bảo cùng chuẩn đầu ra của các khối lớp và thực hiện đồng bộ với Chương trình THPT từ năm học 2022-2023.
Theo quy định, Chương trình GDPT phải được thực hiện với thời lượng đầy đủ trong 3 năm học cho các khối lớp 10, 11, 12. Còn đối với chương trình GDTX cấp THPT cũng phải thực hiện với thời lượng đủ 3 năm học, nhưng được thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương, điều kiện của học viên về hình thức tổ chức dạy học, địa điểm… để đáp ứng nhu cầu của người học.
Trong khi đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định “thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp THCS trở lên là từ 1-2 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo”.
Do đó, HS tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề chỉ học trong thời gian từ 1- 2 năm, không thể vừa hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp, vừa hoàn thành chương trình GDTX cấp THPT.
Mặt khác, Luật Giáo dục 2019 cũng quy định, học viên học hết chương trình GDTX cấp THPT không dự thi tốt nghiệp THPT hoặc thi không đạt yêu cầu thì được người đứng đầu trung tâm GDTX cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT (điều này là không thể nếu trung tâm GDTX không dạy học viên).
Vì vậy, Bộ GDĐT kiến nghị, đối với các khóa học của các cơ sở GDNN tuyển sinh từ năm học 2022-2023, để đảm bảo thực hiện được các chương trình học, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người học cũng như các quy định hiện hành, các cơ sở GDNN tổ chức dạy chương trình GDTX cấp THPT phải phối hợp với các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN, GDTX để tổ chức dạy học…
Đẩy khó cho các trường nghề
Trên thực tế, việc dạy nghề và văn hóa do hai hệ thống giáo dục khác nhau phụ trách (GDNN và GDTX) khiến quá trình tổ chức đào tạo xảy ra nhiều xung đột, công tác quản lý HS phức tạp, chồng chéo.
Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội cho biết, hàng năm nhà trường đều tuyển sinh số lượng vài trăm HS tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp nghề. Hiện trường đang phải phối hợp và phụ thuộc vào các trung tâm GDTX để tổ chức giảng dạy văn hóa.
Điều này dẫn đến tình trạng một HS phải tham gia cùng lúc 2 chương trình do 2 cơ sở độc lập tiến hành dẫn đến nội dung đào tạo chưa được thiết kế phù hợp, quá trình tổ chức đào tạo xảy ra nhiều xung đột. Công tác quản lý HS và thông tin đến gia đình HS về kết quả học tập cũng rất phức tạp vì do 2 hệ thống, 2 cơ sở đào tạo độc lập tiến hành. Trách nhiệm của mỗi cơ sở trong quá trình tổ chức giảng dạy trong suốt 3 năm học và kết quả cuối cùng đầu ra không rõ ràng.
Vì vậy, ông Khánh cho rằng việc giao cho 1 đơn vị tổ chức đào tạo cả nội dung văn hóa và nội dung chuyên môn nghề là cách làm và hướng đi phù hợp để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo cho đối tượng HS tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nhìn nhận, từ nhiều năm qua, chương trình dạy các môn học văn hóa được Bộ GDĐT thiết kế gọi là chương trình khung giáo dục trung cấp chuyên nghiệp theo thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT (TT16), được dạy ở hầu hết các cơ sở GDNN.
Điều này không phù hợp do phần lớn các em tốt nghiệp THCS năng lực học tập hạn chế nay phải học những vấn đề mang tính lý thuyết (thiếu ứng dụng) gây tâm lý chán nản, không học được và bỏ học. Nếu thêm quy định này thì làm sao để hút thí sinh học nghề?
“Không thể bắt HS trường nghề học theo chương trình văn hóa của HS THPT. Chương trình 9+2, 9+3 đang thiết kế cho HS tốt nghiệp trung cấp nghề, hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được liên thông lên đại học. Mà muốn lên đại học phải tốt nghiệp THPT. Vì vậy, các bên liên quan cần phải xây dựng và thiết kế lại chương trình cho phù hợp” - ông Vinh nêu quan điểm.