Kiến nghị duy trì mức hỗ trợ hàng tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ ở cơ sở
Thảo luận tại hội nghị, đa số các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết của việc sửa đổi và ban hành luật này; đánh giá cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội đã nêu.
Ngày 28/8, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an thay mặt cơ quan soạn thảo dự, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu.
Thảo luận tại hội nghị, đa số các đại biểu đều thống nhất với sự cần thiết của việc sửa đổi và ban hành luật này; đánh giá cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội đã nêu.
Ưu tiên tuyển chọn người am hiểu tập quán, người có uy tín
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) cho biết, mục tiêu của việc xây dựng luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có thành 1 tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ ANTT ở cơ sở. Vì vậy, Thường trực Ủy ban QP & AN đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật.
Về một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; quy định trách nhiệm pháp lý trong trường hợp lực lượng này vi phạm, gây ra thiệt hại, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết, đây là lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công và chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã. Lực lượng này không hoạt động độc lập, nên việc quy định quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của lực lượng này là không cần thiết và cũng không phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng này.
Về tiêu chuẩn tuyển chọn, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Thường trực Ủy ban QP & AN cho rằng, theo quy định của dự thảo luật thì một trong những tiêu chuẩn để công dân được tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định. Đối với các ý kiến cho rằng quy định tiêu chuẩn tuyển chọn như dự thảo luật là quá cao, đề nghị quy định cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; đề nghị ưu tiên tuyển chọn các trường hợp là bộ đội, công an xuất ngũ, cựu chiến binh, đảng viên, đoàn thanh niên, đồng bào dân tộc, người trong các tôn giáo, người am hiểu về phong tục, tập quán, nắm vững địa bàn, người có uy tín, người chấp hành xong án phạt tù, người học xong chương trình tiểu học.
Thường trực Ủy ban QP & AN đề nghị tiếp thu vào Điều 13 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời đã bổ sung vào dự thảo Luật đã tiếp thu chỉ quy định về trường hợp cho thôi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong trường hợp không còn bảo đảm về sức khỏe. Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban QP & AN đã rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật về sắp xếp, kiện toàn, bố trí lực lượng phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm ANTT, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, bảo đảm tính khả thi; rà soát các nội dung của dự thảo luật bảo đảm thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về quy định chức danh của lực lượng dân phòng.
Duy trì mức hỗ trợ hàng tháng
Về nguồn kinh phí, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban QP &AN đã tiếp thu theo hướng: Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do ngân sách Nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến một số ý kiến đề nghị quy định chế độ, chính sách cho lực lượng này theo nhiệm vụ được giao, Thường trực Ủy ban QP & AN cho rằng, dự thảo luật quy định mức hỗ trợ hàng tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là kế thừa quy định về chế độ hỗ trợ đối với đối tượng đội trưởng, đội phó đội dân phòng, bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đã có từ lâu đang được các địa phương thực hiện. Nếu bỏ quy định hỗ trợ hàng tháng mà chỉ hỗ trợ khi được huy động thì sẽ không thu hút được người dân tham gia lực lượng này, không bảo đảm tính khả thi của luật. Một số ý kiến khác cho rằng, quy định trường hợp địa phương khó khăn về ngân sách thì Trung ương hỗ trợ là mâu thuẫn với quy định của Luật Ngân sách nhà nước vì nhiệm vụ chi của cấp nào thì ngân sách cấp đó bảo đảm, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban QP &A N đề nghị bỏ quy định này để bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến nội dung về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Thường trực Ủy ban QP & AN đề nghị cho quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng này để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.
Đối với ý kiến đề nghị rà soát các quy định về bố trí nơi làm việc cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở ở cơ sở để bảo đảm tính khả thi; đề nghị quy định theo hướng mở để các địa phương thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế; đề nghị giao UBND cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc; cần quy định để đảm bảo thống nhất giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước; cần bổ sung thêm phương án bố trí khác bảo đảm tính khả thi, Thường trực UBQPAN đề nghị tiếp thu và thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 20 dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Nâng cao chất lượng công tác quán xuyến địa bàn
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nhận thấy, về cơ bản, các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đã được tiếp thu, chỉnh lý khá đầy đủ. Đại biểu khẳng định, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, trước những ảnh hưởng do hệ quả của phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về công tác đảm bảo ANTT ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Địa bàn cơ sở có ANTT tốt thì mới có thể tạo nên một địa phương phát triển ổn định, an toàn...
Mặt khác, hiện nay, lực lượng đảm bảo ANTT chính ở cơ sở là Công an chính quy cấp xã. Tuy nhiên, khối lượng công việc đang được giao và sắp tới sẽ được giao đối với Công an cấp xã là khá lớn. So với trước đây, nhiều nhiệm vụ mới đã được bổ sung như tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, thực hiện các thủ tục đăng ký cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy, thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy.
“Do đó, nếu có thể xây dựng được một lực lượng được bồi dưỡng, huấn luyện bài bản nhằm hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ được giao sẽ góp phần san sẻ áp lực với lực lượng này, nâng cao chất lượng công tác quán xuyến địa bàn, sâu sát nắm tình hình và đảm bảo ANTT cơ sở của Công an cấp xã” – đại biểu nêu quan điểm.
Đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội để trình Hội nghị dự thảo luật tương đối đầy đủ, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) phát biểu một số ý kiến về nội dung quy định liên quan đến chức danh, công nhận chức danh, nhiệm vụ của chức danh, thành lập Tổ bảo vệ ANTT.
Đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cũng cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo luật, đồng thời bày tỏ hoàn toàn nhất trí với chủ trương về bố trí lực lượng tại dự thảo luật lần này; cho rằng, phù hợp với tính chất tự nguyện của lực lượng, đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu, tình hình ANTT ở cơ sở cũng như yêu cầu về hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã ở từng địa bàn, vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí ngân sách Nhà nước.
Về chế độ hỗ trợ thường xuyên hàng tháng đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị về mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở giao cho HĐND tỉnh quy định thì cần dựa trên khung do Chính phủ quy định thống nhất để không có sự chênh lệch quá mức, tạo tâm lý không tốt đối với những người tham gia lực lượng này trong cả nước, cũng như tạo ra sự cân đối với mức hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách ở xóm, ở xã.
“Tôi cũng đề nghị là cần có quy định chính sách hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương cho các địa phương còn khó khăn, chưa cân đối được nguồn lực khi luật có hiệu lực” – đại biểu nêu quan điểm.
Lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ, dự thảo luật trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này đã có tiếp thu và giải trình đầy đủ, thấu đáo, kịp thời các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 25 vừa qua và ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.
Theo đó, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo quan điểm xuyên suốt, thống nhất là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ANTT cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng này được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng cơ sở, sự điều hành của chính quyền cấp xã, sự tham mưu và quản lý của Công an xã. Lực lượng này được đảm bảo kinh phí và trang bị cơ sở vật chất do ngân sách Nhà nước đảm bảo và các nguồn tài chính được huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Về các nội dung còn băn khoăn, các ý kiến đề nghị cân nhắc hoặc bổ sung hoặc đề xuất mới tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, các cơ quan sẽ nghiêm túc tiếp thu và sẽ có báo cáo Chính phủ để có sự giải trình, tiếp thu và điều chỉnh hợp lý trong dự thảo Luật để đảm bảo điều kiện trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thông qua.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao trách nhiệm, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật, xin ý kiến các cấp, các ngành để trình Hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cơ bản tán thành báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của UBQPAN và các dự thảo, tài liệu đã gửi. Các đại biểu yêu cầu tiếp tục làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này, theo hướng do chính quyền địa phương thành lập, được ngân sách Nhà nước bảo đảm…Cần tiếp tục rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu bổ sung các quy định về quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng này cho rõ hơn, nhất là chức danh Tổ trưởng, Tổ phó, nhiệm vụ hỗ trợ, tham gia, giới hạn, phạm vi trách nhiệm.