Kiến nghị giải pháp cứu ngành Xi măng, vật liệu

Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt, thép và vật liệu xây dựng, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp đã kiến nghị loạt khó khăn, đề xuất giải pháp tháo gỡ tới Chính phủ, các Bộ, ngành.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến.

Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng: Qua đồng bằng, ruộng lúa thì xây cầu cạn

Công nghiệp vật liệu xây dựng hơn 30 năm qua phát triển đúng hướng, kịp thời, hiệu quả. Vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến thế giới; không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, còn xuất khẩu thu ngoại tệ. Ngành đang rất khó khăn, cần giải pháp và chỉ đạo cấp bách từ Chính phủ.

Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng.

Ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng.

Hiện thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án nhà ở thương mại gần như đóng băng, Chính phủ chỉ đạo tập trung phát triển NƠXH, phát triển 1 triệu căn hộ là khả thi. Hiệp hội kiến nghị, khi địa phương lập quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải lập quy hoạch khu đô thị, trong đó phải lập quy hoạch NƠXH; chủ đầu tư khu công nghiệp là chủ đầu tư khu đô thị, NƠXH. Doanh nghiệp sử dụng lao động đăng ký số căn hộ, diện tích cần sử dụng. NƠXH chủ yếu cho thuê, nếu bán ít người có khả năng mua. Thực hiện đấu thầu xây lắp theo thiết kế được duyệt, không giao cho chủ đầu tư khu đô thị vì họ sẽ tập trung nhiều vào lợi nhuận, áp dụng thi công lắp ghép.

Hội kiến nghị, tăng sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông, cụ thể xây dựng cầu cạn tại Đồng bằng sông Cửu Long, nền đất yếu, bởi độ bền cao, tuổi thọ 50 - 100 năm, giải phóng mặt bằng ít và nhanh, tiết kiệm được ruộng lúa, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; chi phí duy tu bảo dưỡng thấp. Các tuyến đường cao tốc làm đường sẽ tránh được sụt lún, giải quyết bài toán thiếu đất đắp đường hiện nay, giảm nhập khẩu nhựa đường, tốn ngoại tệ. Chúng tôi tâm đắc với phương châm chỉ đạo của Thủ tướng: Qua suối bắc cầu, qua núi đào hầm; hội xin kiến nghị thêm vế thứ ba, qua đồng bằng, ruộng lúa thì xây cầu cạn.

Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam: Loại bỏ clinker, xi măng khỏi nhóm hàng hóa xuất khẩu chịu thuế

Ngành Xi măng kiến nghị Thủ tướng, các Bộ, ngành có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa. Ngoài sớm triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn nơi thích hợp; thì gia cố nền đường bằng xi măng là giải pháp khả thi. Hiện chúng ta đào đất nền đường mang đi đổ, xong mang vật liệu san lấp lấp vào. Nếu gia cố nền đường bằng xi măng, đất sẽ sử dụng tại chỗ, mang lại độ bền cho nền đường, giảm độ thấm hút nước, phân bố tải trọng đều hơn, tăng tuổi thọ và giảm chi phí bảo trì công trình. Công nghệ này được các nước châu Âu, Mỹ sử dụng hàng trăm năm trước và hiện đang sử dụng.

Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam.

Đề nghị Chính phủ loại bỏ clinker, xi măng khỏi nhóm hàng hóa xuất khẩu số thứ tự 211 của Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục hàng hóa chịu thuế của Nghị định 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 khi sửa đổi Nghị định này. Theo Điều 1 của Nghị định146/2017/NĐ-CP, sản phẩm clinker, xi măng xuất khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng là 0% nếu trong quá trình xuất khẩu các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khoản 2 Điều 12 Luật Thuế giá trị gia tăng.

Công nghệ sản xuất xi măng là công nghệ tốt nhất để xử lý các chất thải, kể cả chất thải nguy hại do nhiệt độ đốt rất cao, trên 1500oC. Hiệp hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Nhà nước có liên quan có chính sách khuyến khích về tài chính, thủ tục, thuế, phí đối với việc đầu tư, vận hành các thiết bị đồng xử lý, tái sử dụng chất thải trong nhà máy sản xuất xi măng. Ban hành chính sách miễn, giảm, khấu trừ chỉ tiêu phát thải khí nhà kính đối với doanh nghiệp sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế là rác thải, chất thải, sử dụng điện sản xuất từ trạm phát điện sử dụng khí thải lò nung trong sản xuất.

Ông Lê Quang Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam: Nâng tỷ lệ cầu cạn lên 20 - 30%

Để tăng tiêu thụ xi măng nội địa, chúng tôi cho rằng, cần tăng diện tích xây dựng nhà ở, trong đó có NƠXH, vừa giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, vừa kích cầu tiêu thụ xi măng và bê tông. Đồng thời, tăng tỷ lệ xây dựng cầu cạn.

Ông Lê Quang Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam.

Ông Lê Quang Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam.

Theo thống kê, trên các tuyến cao tốc, tỷ lệ sử dụng cầu cạn, cầu hầm chỉ dưới 10%; tức là 1.000km đường cao tốc thì chỉ khoảng dưới 100km; riêng cao tốc Sài Gòn - Trung Lương đã sử dụng đến 30%. Chúng ta có thể nâng tỷ lệ cầu cạn lên 20 - 30%.

Về chi phí, nếu tính cả phần đời dự án là 40 năm, Bộ Giao thông Vận tải tính phí đầu tư cho cầu cạn chỉ tăng hơn đường đắp khoảng 1,4 - 1,5 lần, không phải 2 - 2,5 lần như cách tính ban đầu, vì cầu cạn không mất chi phí bảo dưỡng. Thứ hai, xây cầu cạn giảm thời gian thi công, nếu phương pháp hiện nay, thi công và chờ lún mất 36 tháng, cầu cạn chỉ thi công khoảng 22 tháng; giảm diện tích giải phóng mặt bằng, ứng phó biến đổi khí hậu, thoát lũ; kiểm soát chất lượng tốt và giải quyết vấn đề khan hiếm đất đắp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Việt Nam: Không cấp phép đầu tư dự án gạch ốp lát mới

Hiệp hội kiến nghị quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với vùng sản xuất. Trong lĩnh vực gạch ốp lát, chỉ cho phép đầu tư thay thế dây chuyền sản xuất lạc hậu, không cấp phép đầu tư mới.

Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Việt Nam.

Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Việt Nam.

Đề nghị Chính phủ chấp nhận quy trình cấp chứng chỉ đối với hàng nhập khẩu, cho phép kiểm tra đầu nguồn các sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu vào Việt Nam giống như quy trình cấp chứng chỉ của các nước Thái Lan Malaysia, Indonesia… đang thực hiện đối với sản phẩm của Việt Nam. Trong đó có quy định cử đoàn đến kiểm tra tại nhà máy sản xuất để đảm bảo chất lượng hàng hóa trước khi nhập khẩu. Hồ sơ Hải quan đạt yêu cầu, cộng kiểm tra đầu nguồn đạt yêu cầu mới được thông quan.

Vài năm qua, gạch ốp lát Ấn Độ đã nhập khẩu vào thị trường Việt Nam chiếm 50% tổng lượng nhập khẩu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Hiệp hội và các doanh nghiệp đang tiến hành khởi kiện điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gạch ốp lát nhập khẩu từ Ấn Độ. Đây cũng là biện pháp thiết thực để bảo vệ thị trường trong nước và ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam. Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương ủng hộ vụ kiện này.

Ông Nguyễn Quốc Việt – Phụ trách HĐTV Tổng Công ty Xi măng Việt Nam: Tháo gỡ vướng mắc thuế tài nguyên

Những năm qua, VICEM tập trung đổi mới sáng tạo, cải tiến dây chuyền sản xuất, nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, đặc biệt giảm khấu hao than, dùng được than phẩm cấp thấp, giá rẻ. Tập trung đầu tư xây dựng các dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện, đặc biệt VICEM đã sử dụng rác thải, phụ phẩm, phế phẩm của ngành Công nghiệp khác như thạch cao, tro xỉ… Tập trung số hóa kinh doanh, hiện hầu hết tất cả các công ty xi măng thực hiện đặt hàng online.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phụ trách HĐTV Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Việt - Phụ trách HĐTV Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam sẵn sàng tham gia hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, các dự án đầu tư công, bán hàng trả chậm hơn. Thuế ngoài thuế clinker, thuế tài nguyên còn nhiều vướng mắc. Hiện tính thuế theo hai cách, thuế theo UBND tỉnh ban hành, hoặc tính giá bán trừ đi chi phí sản xuất. Cách tính thuế bất cập không khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực giảm chi phí sản xuất. Đề nghị thống nhất lấy giá do UBND tỉnh ban hành.

Ông Eamon Ginley - Tổng Giám đốc Công ty INSEE Việt Nam: Đề nghị giảm lãi suất cho người mua, xây nhà

Lãi suất, Luật Đất đai 2023 và Luật Bất động sản 2023 là yếu tố cốt lõi giúp kích cầu thị trường. Việc thực hiện nhanh các quy định mới rất quan trọng. Lãi suất thả nổi dành cho người vay mua, xây nhà cần giảm xuống dưới 9% và lãi suất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần giảm nữa. Các Công ty xi măng phải tự cứu lấy mình, bằng cách đảm bảo kinh doanh bền vững và cơ cấu chi phí sản xuất thấp nhất có thể. Kinh doanh bền vững trong ngành Xi măng đòi hỏi quản trị hiệu quả năng lượng, có tỷ lệ đồng xử lý cao và hệ số clinker trong sản phẩm xi măng thấp.

INSEE Việt Nam sử dụng vật liệu phế thải thay thế than hơn 15 năm, thông qua hoạt động đồng xử lý. Sản phẩm chính có lượng phát thải CO2 thấp hơn 40% so với xi măng OPC truyền thống. Công ty đề xuất Chính phủ xem xét hoạt động đồng xử lý được công nhận là một trong những giải pháp đáp ứng cho EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), xử phạt doanh nghiệp không tuân thủ trách nhiệm này. Các dự án của Chính phủ không nên giới hạn sử dụng xi măng OPC, khi xi măng hỗn hợp PCB tốt hơn cho môi trường, đặc tính bền sunfat tốt hơn, có khả năng tương đương (hoặc vượt trội) so với OPC trong các ứng dụng.

Vũ Huyền

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kien-nghi-giai-phap-cuu-nganh-xi-mang-vat-lieu-377573.html