Kiến nghị giảm phí, thuế, hỗ trợ nhà đầu tư chứng khoán
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cho biết, trong bối cảnh đại dịch có tác động mạnh mẽ đến nhịp giao dịch trên TTCK Việt Nam, VASB đang lắng nghe các thành viên thị trường và dự kiến sẽ có đề xuất các cơ quan chức năng xem xét giảm phí, giảm thuế đầu tư chứng khoán.
Theo ông Kỳ, điểm đầu tiên VASB dự kiến kiến nghị là việc 2 sàn giảm phí cho các công ty chứng khoán, từ đó giúp các công ty chứng khoán có cơ hội gia tăng các hỗ trợ nhà đầu tư.
Cùng với đó, VASB dự kiến kiến nghị Quốc hội xem xét lại chính sách thuế đối với TTCK theo hướng giảm hoặc miễn thuế trong một thời gian để tạo động lực cho TTCK thực thi các nhiệm vụ công việc của năm 2020.
“Với tình hình hiện tại, nếu không có giải pháp mạnh, thúc đẩy hoặc hỗ trợ TTCK khởi sắc, các mục tiêu phát triển thị trường năm 2020 sẽ khó hoàn thành”, ông Kỳ nói.
Trăn trở của ông Kỳ cũng là trăn trở của nhiều thành viên TTCK.
Trong chia sẻ mới đây trên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, Chính phủ nên có chính sách giảm hoặc miễn thuế giao dịch chứng khoán, thuế cổ tức cho nhà đầu tư.
Miễn hay giảm một phần thuế chứng khoán sẽ giống như một sự chia sẻ khó khăn, nhằm giữ chân và tạo ra được những thế hệ nhà đầu tư chuyên nghiệp hoạt động trong thị trường.
Cùng với đó, các giải pháp nâng hạng và thúc đẩy tính hiệu quả của TTCK cần được đẩy nhanh và quyết tâm thực hiện trong năm 2020, trong bối cảnh nhiều giải pháp, nhiều chính sách đã được kiến nghị từ nhiều năm nhưng chưa thành hiện thực.
Điểm mới được nhiều thành viên kỳ vọng trong công tác điều hành TTCK năm 2020 là Thủ tướng Chính phủ phụ trách việc chỉ đạo khối kinh tế tổng hợp, trong đó có thị trường vốn, TTCK.
Theo đó, các kiến nghị từ nhà đầu tư, từ thị trường đề xuất lên có thể sẽ được các cơ quan quản lý tiếp nhận và xử lý nhanh hơn.
Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB cho rằng, nếu Thủ tướng Chính phủ dành thời gian lắng nghe các lãnh đạo khối tổ chức tài chính trung gian trên TTCK, Thủ tướng sẽ thấu hiểu câu chuyện thị trường và có những quyết sách thúc đẩy sự phát triển tương xứng với vị thế, tiềm năng vốn có.
Trong góc nhìn của nhà đầu tư, trưởng phòng chăm sóc khách hàng tại một công ty chứng khoán cho biết, chính sách thuế đã áp dụng nhiều năm nay, nên nhà đầu tư cũng đã không còn thắc mắc.
Tuy nhiên, yếu tố bào mòn lớn nhất đến hiệu quả đầu tư lúc này chính là khoản tiền lãi margin. “Đúng là dám vay thì phải ráng chịu, nhưng thị trường đi xuống mãi như thế này thực sự khiến quá nhiều nhà đầu tư thua lỗ. Thua lỗ vì chứng khoán giảm, thua lỗ vì các khoản chi phí phải trả để duy trì hoạt động đầu tư…
Diễn tiến thị trường như hiện nay sẽ rất khó thu hút được nhà đầu tư mới, nếu như không muốn nói là có nhiều nhà đầu tư cũ đã đóng tài khoản, hoặc đợi cơ hội đóng tài khoản”, ông nói.
Ở góc nhìn của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký chia sẻ, lắng nghe các doanh nghiệp, nhất là khối bất động sản kêu về thủ tục đầu tư, ông cảm nhận nếu thủ tục hành chính tiếp tục trì trệ, có thể giết chết nhiều doanh nghiệp.
“Trong giai đoạn khó khăn này, Chính phủ càng cần ưu tiên thúc đẩy thủ tục hành chính, thực sự hướng về doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cam kết và trách nhiệm cao nhất, mới mong tìm được cửa sáng cho tương lai doanh nghiệp, tương lai thị trường”, ông Hải nói.
Về TTCK, theo ông Hải, mối họa lớn nhất từ đại dịch đã dần qua khi Trung Quốc - nơi tâm điểm của dịch và là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới - đang thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại.
Tại thị trường Việt Nam, bên cạnh các vấn đề về thuế, phí thì theo quan sát của VAFI, giải pháp có khả năng tác động tích cực nhất đến dòng tiền vào thị trường là nới rộng tỷ lệ đầu tư khối ngoại trong các doanh nghiệp đại chúng.
“Trước hết, với khối ngân hàng, tôi cho rằng, từ mức tối đa 30% như hiện tại, Chính phủ nên cho phép nới thêm 5 - 10% room ngoại, có thể định danh cổ phiếu không có quyền biểu quyết.
Hệ thống ngân hàng huy động được thêm vốn mới, tài chính chủ động và lành mạnh hơn sẽ giúp chi phí vốn trong nền kinh tế giảm dần.
Cùng với đó, năm 2020 nếu tiếp tục diễn ra những đợt bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mạnh trên TTCK như một số năm trước cũng sẽ là động lực thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu tư quốc tế, đồng thời giúp Chính phủ có lượng tiền mới để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng”, ông Hải kiến nghị.