Kiến nghị giao Sở GD-ĐT TPHCM quản lý trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
Sáng 9-8, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục thường xuyên.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp và đại học (Sở GD-ĐT TPHCM), năm học 2023-2024, toàn thành phố có 31 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX).
Trong đó, 5 trung tâm vừa đưa vào sử dụng cơ sở mới gồm: Trung tâm GDNN-GDTX quận 6, 10, 12, Phú Nhuận và huyện Hóc Môn. Tổng số phòng học tăng thêm so với năm học trước là 90 phòng.
"Hiện nay, nhiều trung tâm khó khăn trong việc xây dựng phòng học bộ môn, thực hành thí nghiệm, thiết bị dạy học. Nguyên nhân là do các trung tâm được giao dự toán và kinh phí chủ yếu dựa trên biên chế nhân sự, không có nguồn kinh phí cấp không thường xuyên", đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Bên cạnh đó, phần lớn các trung tâm có cơ sở hoạt động diện tích nhỏ hẹp, không đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, không có thư viện đạt chuẩn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém về cơ sở vật chất là do các trung tâm GDNN-GDTX chịu sự quản lý nhà nước của UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo chuyên môn về giáo dục thường xuyên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo chuyên môn về giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, giữa các bên chưa có sự phối hợp, đôi khi có sự chồng chéo trong công tác chỉ đạo.
Từ thực tế đó, vừa qua, UBND quận Bình Tân và Phú Nhuận đã có văn bản kiến nghị UBND TPHCM giao Sở GD-ĐT trực tiếp quản lý trung tâm GDNN-GDTX.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn TPHCM sau khi sáp nhập theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV, các sở ngành liên quan gồm Sở Nội vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện thống nhất đề xuất kiến nghị giao cơ quan chuyên môn là Sở GD-ĐT trực tiếp quản lý trung tâm GDNN-GDTX, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo hoạt động chuyên môn giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, việc chuyển trung tâm GDNN-GDTX về Sở GD-ĐT quản lý đang gặp vướng mắc do quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT- BLĐTBXH-BGDĐT-BNV vẫn còn hiệu lực.
Do đó, Sở GD-ĐT tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn UBND TPHCM giải quyết vướng mắc liên quan việc giao cơ quan chuyên môn là Sở GD-ĐT trực tiếp quản lý trung tâm GDNN-GDTX.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng bày tỏ, năm học 2023-2024, giáo dục thường xuyên ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục và đào tạo của thành phố.
Mặc dù còn nhiều hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất và tình hình nhân sự nhưng các trung tâm đã nỗ lực nâng cao chất lượng giảng dạy, tham gia hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh.
"Đề nghị trong năm học tới, việc lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm giữa các trung tâm cần được nhân rộng, đi vào thực chất, không hình thức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người dân", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay.