Kiến nghị lộ trình chuyển từ thuế khoán sang kê khai, tránh gây sốc cho hộ kinh doanh

Việc chuyển đổi từ hình thức thuế khoán sang thuế kê khai được đánh giá là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình này cần được thực hiện theo lộ trình hợp lý, đi kèm các chính sách hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cụ thể, nhằm tránh gây xáo trộn lớn cho hàng triệu hộ kinh doanh.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, việc xóa bỏ chế độ thuế khoán là cần thiết và phù hợp với xu hướng hiện đại hóa quản lý tài chính công, đảm bảo công bằng, minh bạch và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là khu vực hộ kinh doanh cá thể.

Tuy nhiên, cơ quan này dẫn Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính chỉ rõ: Giai đoạn đầu triển khai (2025 - 2026) có thể gặp tình trạng quá tải hệ thống khi hàng triệu hộ kinh doanh cùng chuyển đổi. Cần đầu tư mạnh và hạ tầng công nghệ và đào tạo đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật. Nhiều hộ kinh doanh cũng cho biết chi phí tuân thủ quy định mới có thể dao động từ vài trăm đến hàng chục triệu đồng mỗi năm, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo không đề cập đến các giải pháp chính sách để khắc phục nhược điểm này.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Để quá trình chuyển đổi đạt hiệu quả, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất triển khai theo lộ trình ba giai đoạn hợp lý, đồng thời đi kèm các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cụ thể để đảm bảo tính khả thi và hạn chế xáo trộn trong thực tiễn.

Cụ thể, ở giai đoạn đầu (năm 1 - 2), trọng tâm là chuẩn bị nền tảng và triển khai thí điểm. Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, cung cấp phần mềm kế toán đơn giản và hóa đơn điện tử miễn phí cho hộ kinh doanh nhỏ, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng ghi chép sổ sách và kê khai thuế. Hỗ trợ tài chính trong giai đoạn này bao gồm miễn phí phần mềm, hỗ trợ chi phí thiết bị đầu vào (máy tính bảng, mạng internet) và trợ cấp chi phí đào tạo cho các hộ ở vùng sâu, vùng xa.

Giai đoạn 2 (năm 2 - 4) sẽ mở rộng áp dụng thuế kê khai bắt buộc với các hộ có doanh thu ở mức nhất định nhưng cần đi kèm các ưu đãi thuế tạm thời (giảm 20-30% thuế trong năm đầu), hỗ trợ chi phí thuê kế toán và tiếp cận tín dụng vi mô ưu đãi. Về mặt kỹ thuật cần nâng cấp hệ thống quản lý thuế tại địa phương, tích hợp nền tảng kê khai - thanh toán - nộp thuế và tiếp tục đào tạo kỹ năng tài chính - số cho hộ kinh doanh.

Giai đoạn 3 (năm 4 - 5) là giai đoạn chuẩn hóa và kết thúc hoàn toàn chế độ thuế khoán trên toàn quốc. Trong giai đoạn này, hộ kinh doanh sẽ được tích hợp vào hệ thống quản lý thuế quốc gia như các doanh nghiệp nhỏ, được hỗ trợ công cụ kế toán điện tử tự động và tiếp tục hưởng ưu đãi thuế khi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ tài chính cho các hộ ở vùng khó khăn trong quá trình chuyển đổi và thúc đẩy chính sách bảo hiểm xã hội, tín dụng, đào tạo lao động cho các hộ đã chính thức hóa.

“Với lộ trình cụ thể và chính sách hỗ trợ phù hợp, việc chuyển đổi từ thuế khoán sang thuế kê khai không chỉ góp phần minh bạch hóa hệ thống thuế và còn tạo điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh phát triển bền vững và hội nhập vào nền kinh tế chính thức”, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét ban hành một lộ trình thực hiện việc chuyển đổi từ thuế khoán sang thuế kê khai theo từng giai đoạn và đi kèm với đó là các hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính phù hợp để bảo đảm tính khả thi và tác động bất lợi của chính sách.

Đồng quan điểm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp, tránh trường hợp gây sốc, người dân chưa đủ thời gian trang bị hiểu biết để thích nghi với tình hình mới, chưa kịp chuẩn bị các điều kiện về vật chất cho việc thực hiện nhất là các đối tượng không có khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Do điều kiện kinh tế không đồng đều, nhiều nơi vẫn còn là kinh tế tự cấp, tự túc do vậy cần có các trường hợp loại trừ để phù hợp với thực tiễn.

Tiếp thu, giải trình nội dung này, Bộ Tài chính cho biết, tại Luật Quản lý Thuế sẽ phải sửa đổi quy định về chính sách thuế đối với hộ kinh doanh để thực hiện theo phương pháp tự kê khai từ ngày 1/1/2026. Tại dự thảo Luật sẽ quy định mô hình quản lý thuế hộ kinh doanh cho phù hợp với đặc thù của đối tượng này.

Huyền Châu

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/kien-nghi-lo-trinh-chuyen-tu-thue-khoan-sang-ke-khai-tranh-gay-soc-cho-ho-kinh-doanh-d59958.html