Kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (QC). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật này, nhưng một số nội dung còn có ý kiến trái chiều, cần tiếp tục thảo luận, góp ý thêm.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bùi Thanh Nam phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị Góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ảnh: A.Nhơn
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức Hội nghị Góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật QC để tiếp nhận những nội dung góp ý của các cơ quan, đơn vị. Từ đó cung cấp cho cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện dự thảo luật để thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Nhiều góp ý sát thực tiễn
Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai Dương Văn Tín cho biết, Hội Luật gia tỉnh cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo luật vì phù hợp thực tiễn. Chẳng hạn, việc bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi QC mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội (MXH) do không có tính khả thi, khó kiểm soát và thực hiện là hoàn toàn phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm QC, đặc biệt là người có ảnh hưởng: diễn viên, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu…
Ngoài ra, luật gia Dương Văn Tín cho rằng, luật cũng cần yêu cầu Chính phủ quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó kiểm soát chặt chẽ nội dung QC về các sản phẩm liên quan đến thuốc, thực phẩm chức năng, vì ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Luật cũng cần nghiên cứu cắt giảm các thủ tục, giấy phép không cần thiết trong lĩnh vực QC, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).
Thời gian qua, nhiều người đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện QC (đặc biệt là MXH) để truyền tải các nội dung QC sai sự thật, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và gây bức xúc cho người dân. Do vậy, các cơ quan, đơn vị mong muốn dự thảo luật lần này cần quy định rõ trách nhiệm cũng như tăng chế tài đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động QC.
Anh Nguyễn Bá Ngọc (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật để truyền tải các nội dung QC sai sự thật hoặc việc treo, dán QC không an toàn, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, nhiều người đã dùng MXH để mời chào, QC cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho người tiêu dùng… Mong Luật QC sửa đổi, bổ sung lần này sẽ hoàn thiện hơn nhằm chấn chỉnh những sai phạm cũng như hướng đến lợi ích của người dân”.
Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Bùi Thanh Nam, dự thảo luật cần quy định rõ hơn về trách nhiệm và quyền hạn trong việc các chủ thể tham gia hoạt động QC. Chẳng hạn, đối với người chuyển tải sản phẩm QC, phải có trách nhiệm với lời nói cũng như những nội dung QC của mình. Cho nên, trách nhiệm và quyền lợi của họ phải được quy định rõ trong dự thảo luật. Ngoài ra, dự thảo luật cũng cần quy định rõ quyền, trách nhiệm đối với người phát hành QC, người cho thuê phương tiện QC, DN sản xuất ra sản phẩm QC…
Theo ông Nam, luật hiện hành quy định việc chế tài sai phạm trong hoạt động QC vẫn chưa đủ sức răn đe. Bởi thực tế, có những đơn vị, DN thực hiện việc QC sai sự thật và bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính nhưng số tiền phạt quá ít so với lợi nhuận từ QC mang lại. Do vậy, nghề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định về mức chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Cùng có ý kiến về quy định “người chuyển tải sản phẩm”, Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho rằng, những người QC sản phẩm đã đánh vào tâm lý người dân tin tưởng vào thực phẩm chức năng hay một số thiết bị tiêu dùng nên đã QC theo kiểu “nói quá”. Vì vậy, dự thảo luật nên có một điều quy định để chuyển tải nội dung này và giao cho Chính phủ ban hành nghị định quy định mức phạt nặng đối với những trường hợp sai phạm trên nhằm tạo tính răn đe chung.
Cần quy định các nguyên tắc bao quát có tính ổn định
Để pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống, Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho rằng, luật cần quy định các nguyên tắc bao quát có tính ổn định, đảm bảo việc triển khai quản lý nhà nước được lâu dài. Thực hiện Kết luận số 119-KL/TW ngày 20-1-2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy định xây dựng pháp luật, trong đó yêu cầu “các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài…, nhất là luật điều chỉnh các nội dung về kiến tạo phát triển chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những vấn đề thực tiễn thường xuyên biến động thì giao Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt, phù hợp thực tiễn”.
Từ cơ sở trên, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi nội dung Điều 22 và chỉ quy định khung, còn đối với thời lượng QC, số phút QC/lần, trình tự, thủ tục cấp giấy phép QC ra kênh, chương trình chuyên QC nên giao Chính phủ quy định chi tiết.
Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Huỳnh Ngọc Kim Mai cho rằng, Luật QC năm 2012 quy định cụ thể về kích thước (chiều ngang, chiều dọc, chiều cao…) của bảng hiệu QC là chưa phù hợp. Bởi kích thước của bảng hiệu còn tùy thuộc vào không gian ở vùng đô thị hay vùng nông thôn, ngoại ô hay trung tâm… mà có kích thước phù hợp với cảnh quan của từng vùng. Cho nên, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi lại quy định cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều ý kiến thiết thực khác như: cần quy định QC trong việc cạnh tranh không lành mạnh; phải chế tài xử lý nghiêm tình trạng QC trá hình; cần rà soát giữa Luật QC với các luật liên quan khác để không bị chồng chéo…