Kiến nghị sửa đổi một số bất cập trong kinh doanh xăng dầu
Sở Công thương TPHCM vừa gởi công văn cho Bộ Công thương về việc rà soát, góp ý và đề xuất nội dung xây dựng Nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu…
Mặt hàng chiến lược
Hiện các quy định quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu (KDXD) đã dần được hoàn thiện, góp phần giải quyết những bất cập về thị trường xăng dầu trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đầy đủ, còn tồn tại một số hạn chế trong cơ chế, chính sách. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là xây dựng Nghị định mới thay thế các Nghị định về KDXD nhằm đáp ứng nguồn cung xăng dầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và vận hành theo cơ chế quản lý KDXD tiệm cận với thị trường.
Trước đó, Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức cuộc họp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan và các thương nhân KDXD trên địa bàn nhằm rà soát, đánh giá các quy định hiện hành; đồng thời đề xuất, góp ý nội dung xây dựng Nghị định mới về KDXD. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương có ý kiến đối với những nội dung còn tồn tại của các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, góp ý xây dựng nội dung Nghị định mới của Chính phủ về KDXD.
Thực tế cho thấy, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, hoạt động kinh doanh có điều kiện và doanh nghiệp (DN) KDXD phải tuân thủ các điều kiện quy định hiện hành trong tổ chức hoạt động kinh doanh. Do đó, Sở Công Thương TP đề xuất Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu xây dựng Nghị định mới của Chính phủ về KDXD với các nội dung bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý, điều hành, KDXD phù hợp với bối cảnh thế giới, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước, tiệm cận với các biến động của thị trường và tạo động lực, điều kiện cho DN phát triển...
Theo Sở Công thương TP, cơ chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia tại Việt Nam trong những năm qua không ngừng được hoàn thiện và ngày càng phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để tăng cường công tác quản lý Nhà nước và bảo đảm an ninh năng lượng. Một trong các hạn chế là việc bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia theo phương thức thuê bảo quản hiện nay còn tình trạng chứa chung bồn be với xăng dầu kinh doanh, chưa đúng nguyên tắc quy định, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong kiểm soát.
Để hướng đến mục tiêu cân đối sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy hoạt động kinh tế, sinh hoạt của người dân do thiếu xăng dầu ở bất kỳ tình huống, thời điểm hoàn cảnh nào, Sở Công Thương kiến nghị trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị định mới về KDXD, cần tích hợp nội dung điều chỉnh liên quan đối với việc xây dựng kho dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia; quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.
Bảo đảm "nguồn cung"
Thị trường xăng dầu thời gian qua có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy do nhiều nguyên nhân; trong đó các chi phí KDXD chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành đã ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của DN xăng dầu cũng như tình trạng cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của DN và tiêu dùng của người dân.
Sở Công thương nhấn mạnh, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, nguyên tắc điều hành giá theo hướng dự báo sát tình hình cung - cầu và xây dựng kịch bản để bảo đảm nguồn cung trong các tình huống khác nhau; xây dựng nguyên tắc, giải pháp điều hành giá và giải pháp bình ổn giá theo các biến động của giá thế giới; đồng thời xây dựng các quy định ràng buộc, chặt chẽ với các hình thức phù hợp đối với toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu để tạo động lực cho các bên chủ thể trong hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, Sở Công thương còn kiến nghị đề xuất về chu kỳ phù hợp, có quy định về giải pháp điều hành giá theo biên độ giá xăng dầu tăng/giảm phù hợp với thị trường; thời gian điều hành giá xăng dầu để không ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp KDXD.
Cũng theo Sở Công thương, trong bối cảnh nguồn cung của thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, việc điều hành, quản lý xăng dầu vừa qua cần phải có cách tiếp cận nhanh và thích ứng hơn. Đối với việc phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đối với thương nhân đầu mối KDXD, cần nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế để quy định cách thức phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp (hoặc phân giao theo tháng, quý, 6 tháng) nhằm kịp thời xử lý các phát sinh làm ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu.
Ngoài ra, kế hoạch phân giao sản lượng xăng dầu cho các thương nhân đầu mối KDXD theo từng tháng, quý cũng là một trong các cơ sở quan trọng để bảo đảm nguồn cung và công tác thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng. Song song đó, Sở Công thương còn kiến nghị một số nội dung liên quan quy định trách nhiệm của các thương nhân trong hoạt động KDXD như: nội dung quy định về điều kiện của thương nhân đầu mối KDXD; nội dung quy định về điều kiện của thương nhân phân phối xăng dầu; nội dung quy định về điều kiện, hoạt động của cửa hàng xăng dầu (quy định về cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cửa hàng xăng dầu; quy định đối với trường hợp Trạm cấp phát xăng dầu của đơn vị quân đội, công an có hoạt động kinh doanh xăng dầu; quy định đối với công tác đầu tư, xây dựng mới cửa hàng xăng dầu; bố trí các công trình dịch vụ tiện ích tại cửa hàng xăng dầu; quy định đối với việc xác định sở hữu cơ sở vật chất kinh doanh xăng dầu; quy định về quyền, nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu trong công tác bảo vệ môi trường); nội dung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND trong quản lý hoạt động KDXD (quy định kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối KDXD, thương nhân phân phối xăng dầu tuân thủ quy định về sử dụng kho xăng dầu; quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc ban hành quy định về giờ bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu; quy định nội dung điều khoản chuyển tiếp.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương- Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, hiện các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực KDXD cũng như xử phạt VPHC đối với các vi phạm về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu vẫn chưa thật sự hoàn thiện, còn tồn tại bất cập, một số quy định chưa rõ ràng, thiếu tính đồng bộ... dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương.
Trong thời gian tới, để hạn chế tối đa tình trạng VPHC, cũng như nâng cao hiệu quả xử phạt VPHC đối với các vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh của cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cùng với việc rà soát, xây dựng Nghị định mới của Chính phủ về KDXD, Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp các Bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện, bổ sung các quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực KDXD phù hợp quy định hiện hành; tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện.