Kiến nghị tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

Công ty Cổ phần Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vừa có văn bản kiến nghị đến tỉnh Lạng Sơn về một số vướng mắc liên quan tới vốn tín dụng.

Cần điều chỉnh tỷ lệ vốn Ngân sách Nhà nước

Cụ thể, Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT (Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng) được khởi công ngày 21-4-2024. Ngay sau khi khởi công, Liên danh Nhà đầu tư do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã cùng doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công huy động 15 mũi thi công, 180 thiết bị, 350 nhân sự để đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đang gặp khó khăn trong việc thu xếp vốn tín dụng, điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, thậm chí có thể dẫn đến việc dừng triển khai.

 Phối cảnh cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Phối cảnh cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Ngày 13-32024, Ngân hàng TPBank đã cam kết tài trợ vốn tín dụng 2.500 tỷ đồng và đã phát hành bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho dự án. Mặc dù hợp đồng đã được ký kết vào ngày 14-4-2024, nhưng sau 6 tháng dự án vẫn chưa thu xếp được vốn tín dụng.

Ngân hàng TPBank lý giải rằng việc chưa xác định được khả năng cho vay là do lo ngại về tỷ lệ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước tham gia quá thấp.

Đáng chú ý, Liên danh Nhà đầu tư và TPBank đã nhiều lần đề xuất thay đổi cơ chế chia sẻ doanh thu. Hiện tại, chủ trương đầu tư, hồ sơ mời thầu và hợp đồng BOT của Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chỉ áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu tăng, không có cơ chia sẻ doanh thu giảm.

Ban đầu, phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia Dự án được Chính phủ và địa phương bố trí 6.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 55% tổng mức đầu tư), nhưng UBND Tỉnh Lạng Sơn đã phải điều chỉnh giảm để đảm bảo tỷ lệ tối đa theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn gặp khó trong việc thu hút các Nhà đầu tư và ngân hàng cấp tín dụng.

TPBank bày tỏ quan ngại về tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước tham gia chưa bảo đảm hiệu quả; đồng thời trong trường hợp doanh thu thực tế không đạt kỳ vọng, Dự án cũng không được Nhà nước chia sẻ, hỗ trợ theo quy định tại Luật PPP.

Tồn đọng từ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Một nguyên nhân khác khiến TPBank thận trọng việc giải ngân vốn tín dụng xuất phát từ những vấn đề của dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, vốn tồn tại nhiều năm nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo.

Là tuyến đường kết nối với Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từng bị đình trệ gần 5 năm, không có vốn ngân sách Nhà nước tham gia.

 Tập đoàn Đèo Cả cùng doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tập đoàn Đèo Cả cùng doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Khi đưa vào khai thác, lưu lượng xe thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu do nhiều yếu tố khách quan không phải do Nhà đầu tư (Tập đoàn Đèo Cả) gây ra như: Bỏ 1 trạm thu phí trên Quốc lộ 1, miễn giảm giá vé diện rộng,… khiến doanh thu thực tế chỉ bằng 39% so với phương án tài chính ban đầu, không đủ trả gốc và lãi cho ngân hàng cung cấp tín dụng.

Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã nhiều lần báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lạng Sơn những vướng mắc nêu trên. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo Chính phủ tại các Văn bản số 402/BC-UBND ngày 13-8-2024, Tờ trình số 23/TTr-UBND ngày 6-3-2024, đề nghị bổ sung vốn ngân sách Nhà nước 4.600 tỷ đồng vốn hỗ trợ dự án (chiếm 37,75% tổng mức đầu tư, nhỏ hơn mức 50% quy định tại Luật PPP). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Các ngân hàng, bao gồm TPBank, đang băn khoăn khi tham gia đầu tư vào các Dự án PPP gặp khó khăn (không phải do lỗi của nhà đầu tư) nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ giải quyết.

Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tiếp tục vay vốn để thực hiện các Dự án PPP, trong đó có dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP

Để ngăn chặn nguy cơ dừng triển khai dự án, Công ty Cổ phần Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kiến nghị Tỉnh ủy Lạng Sơn có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc của Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70% tổng mức đầu tư để ngân hàng có cơ sở thực hiện tài trợ vốn.

 Doanh nghiệp dự án đề xuất tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70% tổng mức đầu tư.

Doanh nghiệp dự án đề xuất tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70% tổng mức đầu tư.

Ngoài ra, doanh nghiệp dự án cũng kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang làm việc với Nhà đầu tư để kiến nghị Quốc hội có biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ 4.600 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã được Kiểm toán Nhà nước xác định cho Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tăng tỷ lệ vốn ngân sách Nhà nước cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70% tổng mức đầu tư nhằm đảm bảo thu xếp tín dụng.

Công ty cũng đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PPP để tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ cho các dự án gặp khó khăn do doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính đã ký kết.

“Đối với những dự án đã khai thác nhưng bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng do nguyên nhân khách quan (không phải lỗi của nhà đầu tư), sau khi áp dụng các giải pháp theo hợp đồng nhưng vẫn không khả thi, cơ quan có thẩm quyền cần báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét việc bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ, tối đa là 70% tổng vốn đầu tư dự án dựa trên giá trị được kiểm toán, quyết toán”, Công ty Cổ phần Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kiến nghị.

TRANG LIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kien-nghi-thao-go-kho-khan-ve-tin-dung-cho-du-an-cao-toc-huu-nghi-chi-lang-798344