Kiến nghị xem xét lại việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu

Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H, Phú Ninh, Quảng Nam) đã được Bộ TN&MT thông qua; đồng thời giao cho UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.

Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H, Phú Ninh, Quảng Nam) đã được Bộ TN&MT thông qua; đồng thời giao cho UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật.

Khi câu chuyện mỏ vàng Bồng Miêu chưa được xử lý dứt điểm, thì thời gian qua “vàng tặc” mặc sức lộng hành.

Khi câu chuyện mỏ vàng Bồng Miêu chưa được xử lý dứt điểm, thì thời gian qua “vàng tặc” mặc sức lộng hành.

Thế nhưng ngày 12-4, tại buổi tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam, cử tri H. Phú Ninh kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam có ý kiến với Bộ TN&MT xem xét lại việc đóng cửa mỏ vàng. Bởi họ cho rằng, đóng cửa mỏ sẽ rất tốn chi phí để hoàn trả môi trường, chi bằng cho phép mở lại, kêu gọi doanh nghiệp vào tiếp tục đầu tư để địa phương có nguồn thu, tài nguyên đỡ bị thất thoát, lãng phí.

Xem xét lại việc đóng cửa mỏ vàng

Ngày 12-4, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam gồm ông Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến - Phó Tư lệnh Quân khu 5 đã có buổi tiếp xúc cử tri H. Phú Ninh sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Tại buổi tiếp xúc, câu chuyện mỏ vàng Bồng Miêu được cử tri đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Tấn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Tam Lãnh cho rằng, sau 20 năm hoạt động, đến năm 2016 mỏ vàng Bồng Miêu dừng hoạt động do doanh nghiệp là Cty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu phá sản. Cty bỏ đi để lại nhiều hệ lụy về môi trường, không khí, nguồn nước, nhất là tệ nạn xã hội, gây mất ANTT... tại địa phương.

“Thời gian qua, việc truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” được triển khai liên tục, nhưng cũng giống như lò xo, đẩy đuổi thì họ co cụm, khi đoàn truy quét về thì họ bung ra tiếp tục hoạt động. Do đó, để giải quyết tình trạng trên, tôi kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến với Bộ TN&MT xem xét lại chuyện đóng cửa mỏ vàng. Việc đóng cửa mỏ sẽ rất tốn kém chi phí để hoàn trả môi trường, chi bằng cho phép mở lại, kêu gọi doanh nghiệp vào tiếp tục đầu tư để địa phương có nguồn thu, tài nguyên đỡ bị thất thoát, lãng phí”- ông Nguyễn Tấn Hòa đề xuất…

Trước kiến nghị trên, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, đại biểu Phan Thái Bình cho biết, bản thân ủng hộ cao tinh thần của địa phương theo hướng không nên đóng cửa mỏ, không nên chôn tài nguyên khoáng sản xuống đất, mà cần kêu gọi nhà đầu tư vào để giải quyết tốt vấn đề Bồng Miêu. “Về vấn đề này, theo tôi, Ban Thường vụ Huyện ủy cần sớm có văn bản chính thức kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin chủ trương để có sự thống nhất chung. Tiếp đó là chủ động tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để sẵn sàng triển khai khi có sự đồng ý của Bộ TN&MT. Trường hợp xin không được thì dừng phải dừng hẳn, chứ cách hiện nay làm không làm mà đóng chẳng đóng” - ông Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Việc khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu gây nên nhiều hệ lụy về môi trường, thất thu nguồn khoáng sản.

Việc khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu gây nên nhiều hệ lụy về môi trường, thất thu nguồn khoáng sản.

Việc đóng cửa mỏ được thực hiện theo quy định

Trước đó ngày 13-1-2021, tại trụ sở Bộ TN&MT, Thứ trưởng Trần Quý Kiên và ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì buổi làm việc về tổ chức triển khai thực hiện Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Qua buổi làm việc, các bên thống nhất kết luận các nội dung: Thực hiện thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Khoáng sản, Bộ TN&MT sẽ ban hành quyết định phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu theo quy định.

Trên cơ sở Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đã được Bộ TN&MT phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì thực hiện các nội dung công việc, gồm: Tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công thực hiện Đề án theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật khác liên quan; tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát đơn vị thi công Đề án theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, pháp luật liên quan; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định; tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí các hạng mục đóng cửa mỏ từ nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của Cty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu tại kho bạc Nhà nước H. Phú Ninh và nguồn bổ sung từ ngân sách địa phương theo quy định hiện hành; tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện toàn bộ đề án đóng cửa mỏ để Bộ TN&MT tổ chức nghiệm thu theo quy định.

Liên quan đến việc đẩy đuổi “vàng tặc” tại mỏ vàng Bồng Miêu, ngày 13-4, Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa truy quét, đẩy đuổi hơn 100 người ra khỏi mỏ vàng Bồng Miêu. Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát môi trường CA tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu tại các khu vực như: đập Thải, đồi Sim, ngách Gió Lò 10, bãi Thầu Đâu, hố Lò 6. Qua đó lực lượng CA phát hiện có khoảng 90 người đang khai thác, xay, ngâm ủ quặng trái phép tại các khu vực này. Tại hiện trường có 31 hồ ngâm ủ, 16 máy nổ, 13 cối xay đá, 4 củ điện, 2 súng đục, 500 lít dầu diezel, 2.600m dây dẫn nước và nhiều công cụ thô sơ khác. Tổ công tác đã phá hủy các dụng cụ, đồng thời đẩy đuổi hơn 100 người ra khỏi khu vực khai thác trái phép.

Trong khi đó, theo báo cáo của UBND xã Tam Lãnh, từ cuối năm 2020 đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép gia tăng, diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn, xử lý triệt để. Theo đó, từ tháng 12-2020 đến cuối tháng 3-2021, CAX Tam Lãnh đã tổ chức 7 đợt truy quét, kiểm tra, xử lý tình hình khai thác vàng trái phép tại địa phương. Qua đó phát hiện, tiêu hủy, làm mất tác dụng hoàn toàn 10 máy nổ, 1 cối xoay đá, 27 lán trại, 61 hồ hóa chất, khoảng hơn hơn 8.000 m bạt, hơn 5.000 m dây nước, 1 tấn vôi; 30 bao đá quặng…

Trước tình trạng khai thác vàng trái phép diễn biến phức tạp tại mỏ vàng Bồng Miêu, ngày 8-4, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị UBND H. Phú Ninh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Trong trường hợp vượt khả năng và thẩm quyền xử lý của UBND huyện thì báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, xử lý...

* Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu có nguồn kinh phí hơn 12,6 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và hơn 6,4 tỷ đồng từ nguồn ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của Cty TNHH Khai thác Vàng Bồng Miêu. Mục tiêu của đề án nhằm thực hiện phá dỡ, bịt kín các đường lò, xử lý các bãi thải, trồng cây xanh...

BÃO BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_241414_kien-nghi-xem-xet-lai-viec-dong-cua-mo-vang-bong-mieu.aspx